Việt Nam trước cơ hội vươn lên
Năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ mục tiêu GDP tăng trưởng 6%, GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân là khoảng 4%... Tăng trưởng 6% có nghĩa, tốc độ tăng trưởng GDP của năm nay gần như gấp đôi so với kết quả đạt được của năm 2020. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế tiếp tục có cái nhìn lạc quan về kinh tế Việt Nam.Năm 2020 bất chấp đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương (2,91%), tạo đà cho một năm 2021 hứa hẹn tăng trưởng phục hồi trở lại ấn tượng. Trang Nikkei Asia gần đây dự báo, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất Đông Nam Á năm 2021. Cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đồng loạt nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2021 và ổn định quanh mức 6,5% trong các năm tiếp theo. "Chính phủ đã tăng chi tiêu công cho cơ sở hạ tầng, đường sá, cảng biển... hỗ trợ rất lớn cho hoạt động kinh doanh cũng như dòng chảy thương mại với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do. Hiện Việt Nam đang chi 5,7% GDP cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng. Đây là mức cao nhất trong khu vực, cùng với dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam" - ông Brian Spence, đồng sáng lập Công ty S&P Investment, nhận định.Các chuyên gia nghiên cứu vĩ mô của Công ty CP Chứng khoán SSI dự báo, tăng trưởng GDP năm 2021 có thể ổn định khoảng 6,5%. Mức tăng trưởng sẽ bắt đầu tăng tốc từ quý II/2021 và giữ đà tăng đó đến năm 2022 (đến khoảng hơn 7%). Dù vẫn ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng do kiểm soát tốt, thiệt hại của Việt Nam là thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Trong khi đó, tiêu dùng nội địa được dự báo sẽ phục hồi từ năm 2021, tác động tốt đến tăng trưởng.Cải thiện sức chống chịu nền kinh tếNgay những ngày đầu tiên của năm mới 2021, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm được khởi công như Dự án sân bay Long Thành sẽ được khởi công ngày 5/1/2021. Ngày 4/1, 3 gói thầu xây lắp đầu tiên của dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ cũng được tiến hành khởi công. Ngoài ra trong năm 2021 sẽ triển khai hàng loạt dự án, công trình giao thông trọng điểm, trong đó đặc biệt là cao tốc Bắc - Nam, dự án Quốc lộ 19 nối Kon Tum - Bình Định, dự án tuyến tránh Long Xuyên, tuyến Lai Châu - Lào Cai…Bên cạnh đó, nhiều dự án khác cũng được đưa vào sử dụng như: 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất (1/1/2021); Dự án cải tạo, nâng cấp mặt cầu Thăng Long (8/1/2021); Dự án BOT hầm Hải Vân 2 (dự kiến cuối tháng 1/2021); bàn giao và khai thác Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông (cuối quý I/2021); thông xe khai thác tạm tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (dự kiến trước Tết Nguyên đán 2021 khoảng 10 ngày). Đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm sẽ có tác động lan tỏa, tạo nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, tăng thêm sức cạnh tranh của nền kinh tế.Năm 2021, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA hay RCEP sẽ tác động mạnh mẽ hơn cho xuất khẩu của Việt Nam. Trước đó, trong năm 2020 dù gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu vẫn đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% nhờ tận dụng được những lợi thế trong các FTA đã ký kết.Dòng vốn FDI dự kiến sẽ tăng mạnh trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Trong đại dịch Covid-19, thông tin các nhà đầu tư ngoại mở rộng, đầu tư mới vào Việt Nam vẫn liên tục được cập nhật, đặc biệt là các nhà sản xuất gia công lớn cho Apple như Foxconn, Luxshare, Pegatron... đều có động thái mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) sẽ chính thức được khởi công vào ngày 9/1/2021. Cùng thời điểm, Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 cũng được tổ chức với mong muốn biến Việt Nam trở thành điểm đến của đổi mới sáng tạo của khu vực trong kỷ nguyên mới, thay đổi công nghệ và mô hình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, nâng cao giá trị DN, đổi mới mô hình tăng trưởng và đạt được tốc độ tăng trưởng cao.Hiện nay, Chính phủ rất nỗ lực trong việc cải cách các thủ tục, hoàn thiện thể chế, phù hợp với yêu cầu quốc tế. Nhiều luật mới sẽ có hiệu lực từ năm 2021: Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Chứng khoán, Luật Hợp tác công tư (PPP), Luật Bảo vệ môi trường… Hai Nghị quyết đầu năm của Chính phủ (Nghị quyết 01/NQ-CP, 02/NQ-CP) được ban hành để triển khai ngay từ đầu năm. Cả hệ thống hành chính, cộng đồng DN và người dân sớm bắt tay vào việc với tinh thần quyết tâm triển khai thắng lợi toàn diện những mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội đề ra trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Việt Nam sẽ có chiến lược mới cho giai đoạn phát triển tiếp theo với trọng tâm là tạo điều kiện cho các DN trong nước hội nhập với thị trường khu vực và toàn cầu, đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ số… Với việc tiên phong trong lĩnh vực 5G, cơ hội để Việt Nam đột phá trong kỷ nguyên kinh tế kỹ thuật số là rất lớn. Với chiến lược này, nếu được quản lý tốt, Việt Nam sẽ vượt lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk |