Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Việt Nam 2023: Còn nhiều dư địa phục hồi và tăng trưởng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế Việt Nam trải qua những tháng đầu năm 2023 đầy biến động và thách thức. Hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; xuất nhập khẩu giảm tác động đến thu ngân sách Nhà nước. Nhiều nút thắt cần được tháo gỡ để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023.

4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, quý I/2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê
4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, quý I/2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tăng trưởng quý I thấp hơn chỉ tiêu

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn chỉ tiêu được Quốc hội giao.

Đây cũng là mức giảm sâu gần nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 - 2023 (chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020), làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát tại các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm...

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định, để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%. Đây là mức tăng khá cao khi kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng vẫn có những triển vọng phục hồi tích cực vào nửa cuối năm. Tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 của Việt Nam được các tổ chức dự báo thấp hơn so với trước nhưng vẫn ở mức khá.

Các hoạt động thương mại, vận tải cũng tăng khá cao, các hoạt động về du lịch và hoạt động kích cầu tiêu dùng tại chỗ đã thể hiện được kết quả tích cực với mức tăng trưởng gần 6,8%.

Đáng chú ý, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hiện đã ngang bằng với thời điểm trước dịch Covid-19. Một điểm nổi bật nhất là lượng khách quốc tế tới Việt Nam, trong quý I đạt 2,7 triệu lượt, gấp gần 30 lần cùng kỳ và đã tương đương 1/3 mục tiêu cả năm nay. Lưu ý rằng, quý đầu tiên của năm ngoái vẫn là mùa du lịch thấp điểm khi Việt Nam mở cửa đón khách du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022. Dự báo, con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

 

Nền kinh tế nội địa sẽ giảm khó khăn từ quý II/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý III nhờ hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ. Đồng thời thị trường bất động sản phục hồi nhẹ từ quý IV/2023, tập trung ở khu vực đô thị lân cận khu công nghiệp và khu vực hạ tầng.

TS Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế

Một điểm tích cực khác là CPI đã được kiểm soát ở mức phù hợp trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đã suy giảm nhưng vẫn neo đậu ở mức rất cao: Trong quý I/2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,18%).

Cùng với đó, đầu tư công tăng 11% thực sự là "vốn mồi" để duy trì cho vốn đầu tư toàn xã hội. Điều này sẽ tạo động lực quan trọng trước mắt và lâu dài cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Nếu nguồn vốn này được giải ngân hiệu quả, có chất lượng thì tổng cầu của nền kinh tế trong năm nay sẽ được hỗ trợ rất tích cực, bù đắp cho những khó khăn về nhu cầu từ thị trường xuất nhập khẩu. Đồng thời, sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho nhiều ngành như sắt, thép, xi măng, vật liệu xây dựng – có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự trầm lắng dự báo sẽ kéo dài của ngành bất động sản trong năm 2023.

Bên cạnh đó, cộng đồng DN và Chính phủ cần xử lý đồng thời các khó khăn của DN để phát huy hiệu quả các đột phá trong chính sách tiền tệ và tài khóa.

Trong Báo cáo mới nhất về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá, đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Nhu cầu thế giới giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất chế biến chế tạo. Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng có thể tăng tốt nếu các dự án cơ sở hạ tầng lớn được thực hiện vào năm 2023 theo kế hoạch.

Còn tại Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới vừa công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 đạt 5,8%, đứng thứ hai khu vực cùng với Campuchia, và chỉ xếp sau Philippines (dự báo tăng trưởng 6%). Ngân hàng UOB giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 ở mức 6,6%, khá sát với mức dự báo tăng 6,5% từ Chính phủ.

Ảnh: Hải Linh
Ảnh: Hải Linh

Bổ sung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu đề ra, không tính đến chuyện điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Theo các chuyên gia, nếu nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, thì tăng trưởng kinh tế vẫn có thể đạt 6,5%.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát khoảng 5%, TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: Chính phủ, các địa phương và cộng đồng DN cần khẩn trương nắm bắt cơ hội, gỡ bỏ các rào cản, vướng mắc về cơ chế, giá cả để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành kế hoạch cả năm giải ngân được 95% tổng vốn 711.700 tỷ đồng, tương đương với 30 tỷ USD.

Việc ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí, gia hạn thời hạn nộp thuế (giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất) trong năm 2023; giảm mặt bằng lãi suất cho vay sẽ có tác dụng kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng hạ lãi suất phù hợp để hỗ trợ người dân và DN. Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ lãi suất, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu - chi ngân sách, tiết kiệm chi tối đa, báo cáo cấp thẩm quyền vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu.

Bộ Xây dựng và NHNN phối hợp thực hiện tốt Nghị quyết số 33 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu thành lập tổ công tác giải quyết các khó khăn, vướng mắc của từng dự án, chăm lo, kịp thời hỗ trợ người dân.

Trước sự sụt giảm của dòng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội và vốn đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cho biết sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, đổi mới, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút vốn FDI.

Để tạo động lực phát triển mới, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng nghị quyết, chương trình về sản xuất chip điện tử; Bộ Công Thương chủ trì xây dựng nghị quyết, chương trình thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh; Bộ TN&MT chủ trì xây dựng nghị quyết, chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thủ tướng chỉ rõ, chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và chỉ tiêu kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, các bộ, ngành cần quyết tâm, nỗ lực lớn hơn, theo dõi, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, có kịch bản, giải pháp phản ứng kịp thời, phù hợp, khó khăn thì khắc phục, thách thức thì vượt qua để đạt mục tiêu đã đề ra.

 

Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, không như nhiều quốc gia khác. Thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn. Đồng thời, chính sách tài khóa và tiền tệ phải đồng bộ để đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) Carolyn Turk