Kinh tế Việt Nam phục hồi nhưng đối mặt nhiều rủi ro

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023.

Hạ dự báo tăng trưởng châu Á, giữ nguyên dự báo về Việt Nam

Tại buổi công bố báo cáo kinh tế ngày 21/9, Giám đốc Quốc gia của ADB, ông Andrew Jeffries cho biết, kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022, và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức. Kinh tế phục hồi ổn định nhờ các cân đối kinh tế mạnh, được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành sản xuất chế biến chế tạo và dịch vụ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, cho biết Việt Nam là một trong những nền kinh tế được đánh giá tăng trưởng mạnh. Điểm khác với những nền kinh tế khác là ngoài những động lực truyền thống về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp thì nền tảng kinh tế vĩ mô vững mạnh là điều kiện quan trọng nhất giúp cho Việt Nam phục hồi và tăng trưởng nhanh.

So với một số nước, kể cả những nước phục hồi và tăng trưởng tốt, nền tảng kinh tế vĩ mô không ổn định và chắc chắn như Việt Nam. "Đây chính là lý do trong xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất ở châu Á - Thái Bình Dương được nâng cấp, trong khi các nền kinh tế khác hoặc bị hạ xuống hoặc giữ nguyên" - ông Nguyễn Minh Cường nêu rõ.

Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) cập nhật 2022 của ADB nhận định, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Nhu cầu trên thị trường thế giới giảm làm chậm đà tăng trưởng ngành chế biến chế tạo. Trong tháng 8/2022, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm nhẹ xuống 52,7 từ mức 54,0 của tháng 6/2022. Tuy nhiên, triển vọng ngành chế biến chế tạo vẫn khả quan do đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ vào lĩnh vực này. 

Theo ADB, di chuyển trong nước trở lại hoàn toàn bình thường, và việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19 đối với khách nước ngoài sẽ thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ những tháng cuối năm 2022, là động lực tăng trưởng cho ngành dịch vụ. 

Lạm phát tăng cao ở Mỹ và Liên minh châu Âu làm gia tăng áp lực lạm phát trong nước. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thận trọng của Việt Nam và việc kiểm soát giá hiệu quả, đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu, giúp kiềm chế lạm phát ở mức 3,8% năm 2022 và 4 % năm 2023, không thay đổi so với dự báo đã đưa ra trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á vào tháng 4/2022.

Đầu tư tăng, lạm phát được kiểm soát, các điều kiện tài khóa và tiền tệ mở rộng được kỳ vọng thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh phục hồi kinh tế đang diễn ra trong năm 2022. Tiêu dùng tăng trong thời gian còn lại của 6 tháng cuối năm và khả năng tăng giá một số mặt hàng do Chính phủ quản lý có thể làm tăng áp lực lạm phát.

Cũng theo ADB, mặc dù căng thẳng về địa chính trị toàn cầu và các điều kiện tài chính thắt chặt tiếp tục hạn chế dòng vốn FDI chảy vào trong năm 2022, nhưng giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ tăng mạnh do các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng; đồng thời hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trở nên dễ dàng hơn.

Rủi ro lạm phát, giải ngân đầu tư công ì ạch

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Cường cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng. Suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Sự thiếu hụt lao động dự kiến tác động đến sự phục hồi nhanh chóng của các ngành dịch vụ và sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nhiều lao động trong năm 2022.

Bên cạnh đó, việc chậm giải ngân đầu tư công và các khoản chi xã hội so với kế hoạch, đặc biệt là chậm thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng trong năm nay và năm sau.

Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng, bằng cách giữ nguyên các mức lãi suất chính sách. NHNN cũng sẽ mở rộng thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất để cho vay với chi phí thấp cho nền kinh tế.

“Tuy nhiên, chính sách tiền tệ mở rộng, như hỗ trợ lãi suất, tái cơ cấu nợ và gia hạn nợ theo quy định mà không điều chỉnh nhóm nợ có thể làm trì hoãn việc phân loại các khoản vay khó đòi, dự báo ở mức 5% trên tổng dư nợ trong năm 2022. Nỗ lực giữ tỷ giá hối đoái ổn định để hỗ trợ xuất nhập khẩu cũng có thể gây áp lực cho dự trữ ngoại hối” - ADB nhận định.

Đại diện ADB cho biết, bội chi ngân sách dự báo tăng lên mức 4% GDP trong năm nay do tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát giá cả, cắt giảm thuế, hỗ trợ ngân sách theo mục tiêu, chi tiêu cho an sinh xã hội, y tế và tiêm chủng Covid-19. Tuy nhiên, nợ công được kiểm soát tốt nên còn đủ dư địa tài khóa.

Mặc dù môi trường kinh doanh được cải thiện dần trong 8 tháng/2022, nhưng đà kinh doanh bắt đầu có dấu hiệu chững lại và số doanh nghiệp đăng ký mới giảm nhẹ trong tháng 8/2022 cho dù số lũy kế doanh nghiệp mới vẫn tăng. Sự suy giảm này phản ánh các thách thức trong quá trình phục hồi kinh doanh, như thiếu lao động và giảm đơn đặt hàng mới.

Ở góc nhìn rộng hơn, rủi ro đối với triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn ở mức cao. Theo ADB, suy thoái kinh tế toàn cầu có thể tác động đến xuất khẩu nặng nề hơn so với dự báo, và chính điều này sẽ làm cán cân tài khoản vãng lai xấu đi. Mặc dù các đợt tăng lãi suất quyết liệt của ngân hàng trung ương ở những nền kinh tế lớn góp phần giảm áp lực tăng giá trên toàn cầu, song sự gia tăng bất ổn địa chính trị toàn cầu lại có thể đẩy giá hàng hóa lên cao, ảnh hưởng đến lạm phát ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 có thể tái bùng phát trong bối cảnh hệ thống y tế chưa đủ sẵn sàng, do nhiều nhân viên y tế gần đây xin nghỉ việc và tình trạng thiếu thuốc men, thiết bị y tế. Lao động thiếu hụt cũng còn là cản trở đối với sự phục hồi nhanh chóng của khu vực dịch vụ và các lĩnh vực xuất khẩu.