Kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ mức dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Á -...

Kinhtedothi - Ngày 5/10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ mức dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (EAP) do ảnh hưởng của sự đi xuống của nền kinh tế Trung Quốc, giá cả hàng hóa xuống thấp, cùng với việc Mỹ thắt chặt tiền tệ. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã có các dấu hiệu tăng trưởng tích cực trong trung hạn.

Kinh tế EAP chậm phục hồi

Theo Báo cáo Cập nhật kinh tế mới nhất của WB, tăng trưởng tại các nước đang phát triển khu vực EAP đã suy giảm trong nửa đầu năm nay. Cụ thể, ước tính toàn khu vực sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2015, giảm so với mức 6,8% năm ngoái. Báo cáo cũng phân tích môi trường toàn cầu đầy thách thức mà các nước trong khu vực đang phải đối mặt. Quá trình hồi phục kinh tế tại các nước thu nhập cao diễn ra chậm chạp, thương mại toàn cầu tăng trưởng với tốc độ thấp nhất kể từ năm 2009, xu thế tăng trưởng chậm ở các nước đang phát triển lại càng thể hiện rõ, nhất là tại các nước sản xuất hàng hóa do giá cả hàng hóa đi xuống.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực - Ảnh 1
Dây chuyền sản xuất motor điện tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam. Ảnh: Danh Lam
Theo dự kiến, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7% năm nay, sau đó sẽ giảm nhẹ do nền kinh tế chuyển hướng sang mô hình dựa vào tiêu dùng trong nước và dịch vụ, dẫn tới giảm nhẹ tăng trưởng. Các nước xuất khẩu hàng hóa như Indonesia, Malaysia và Mông Cổ sẽ tăng trưởng chậm hơn và dự kiến thu ngân sách cũng thấp hơn trong năm nay do chịu tác động của giá hàng hóa thấp. Tăng trưởng tại các nền kinh tế khác có quy mô nhỏ hơn sẽ giảm nhẹ. Tại Campuchia, sản lượng nông nghiệp giảm gây tác động xấu lên nền kinh tế nhưng mức tăng trưởng vẫn đạt 6,9% năm nay. Tại Myanmar, trận lụt nghiêm trọng hồi tháng 7 có thể sẽ kéo mức tăng trưởng xuống còn 6,5%, so với mức 8,5% năm 2014.

Các chuyên gia kinh tế cho hay, viễn cảnh tăng trưởng của khu vực EAP, từ lâu đã được kỳ vọng là điểm sáng của nền kinh tế thế giới, đã bị lu mờ bởi các tác động từ sự sụt giảm của nền kinh tế Trung Quốc và tăng lãi suất đồng USD của Mỹ. “Dự đoán tăng trưởng khu vực EAP sẽ chậm lại do Trung Quốc đang cân đối lại nền kinh tế, và ảnh hưởng của tốc độ bình thường hóa lãi suất cơ bản tại Mỹ” - ông Sudhir Shetty - chuyên gia Kinh tế trưởng WB khu vực EAP nói, đồng thời dự báo những yếu tố này có thể kéo theo bấp bênh tài chính trong ngắn hạn.

Tuy vậy, Báo cáo cũng đánh giá Đông Á vẫn tiếp tục là khu vực tạo động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế thế giới, đóng góp gần 2/5 tổng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu cũng như khu vực đi xuống, các chuyên gia WB đánh giá, nền kinh tế Việt Nam có chiều hướng tích cực trong trung hạn. Hoạt động kinh tế trong năm 2015 sôi nổi nhờ cầu khu vực tư nhân tăng. GDP tăng 6,3% trong nửa đầu năm 2015 - mức tăng nửa đầu năm cao nhất trong vòng 5 năm qua. Đầu tư từ nguồn vốn FDI và tiêu dùng cá nhân tăng mạnh đã kéo theo tăng trưởng. Theo dự kiến, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cũng sẽ kích thích thương mại và đầu tư.

Tuy nhiên, cán cân thương mại đã bị âm do cầu bên ngoài suy giảm, gây ảnh hưởng lên xuất khẩu trong khi hoạt động kinh tế trong nước tăng lại làm cho nhập khẩu tăng.

Các chuyên gia kinh tế của WB khuyến cáo, viễn cảnh trung hạn Việt Nam nhìn chung là tích cực nhưng vẫn còn tiềm ẩn một số rủi ro như nông nghiệp tăng trưởng chậm sẽ ảnh hưởng tới thu nhập khu vực nông thôn và làm tăng khoảng cách thu nhập nông thôn - thành thị. Về phía các yếu tố trong nước, cần có một kế hoạch tốt nhằm củng cố tài khóa trung hạn và được thực hiện cùng với quá trình tái cơ cấu tổng thể nhằm củng cố tài chính cho DN Nhà nước và các ngân hàng quốc doanh. Đây chính là yếu tố quan trọng nhằm hạn chế áp lực nợ công và tăng cường niềm tin của khu vực tư nhân.

Ông Axel van Trotsenburg - Phó Chủ tịch khu vực EAP, WB phân tích, tăng trưởng tại các nước đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vẫn vững chắc, nhưng xu thế giảm nhẹ cho thấy các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần tiếp tục tập trung cải cách cơ cấu nhằm tạo cơ sở cho tăng trưởng bền vững, dài hạn và bao trùm.

“Các biện pháp cải cách cần tập trung hoàn thiện khung pháp lý tài chính, thị trường lao động và thị trường sản phẩm, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình. Những biện pháp như vậy sẽ tạo lòng tin cho các nhà đầu tư và thị trường, giúp duy trì tăng trưởng bền vững và giúp người dân thoát nghèo” - ông Axel van Trotsenburg nói.