Kinh tế Việt Nam trên đà hồi phục

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế Việt Nam vẫn trong thời khắc thử thách nhưng các chỉ số quý I/2022 cho thấy nền kinh tế đang trên đà phục hồi mạnh mẽ.

Kinh tế Việt Nam dần hồi phục sau dịch Covid-19. Ảnh: Linh Chi  
Kinh tế Việt Nam dần hồi phục sau dịch Covid-19. Ảnh: Linh Chi  

Nhiều tín hiệu lạc quan

Chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng của mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện có ảnh hưởng khá lớn đến tăng trưởng chung của xuất khẩu cả nước. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, quý I/2022, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 13,2 tỷ USD, chiếm 14,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường xuất khẩu lớn của nhóm hàng này chủ yếu là EU, Mỹ, Trung Quốc…. Đây là những tín hiệu đáng mừng về sự phục hồi của sản xuất cũng như xuất khẩu sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện trong năm 2022, dự báo một năm tăng trưởng mạnh mẽ và đóng góp tích cực của ngành này vào sự phục hồi của cả nền kinh tế Việt Nam.

Sau thời gian dài thủy sản gặp khó khăn do dịch, các DN thủy sản đang dần hồi phục và có đơn hàng xuất khẩu nhiều hơn. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 ước đạt 900 triệu USD, đưa lũy kế 3 tháng đầu năm ước đạt 2,4 tỷ USD (tăng 38,7%). Đây là mức tăng kỷ lục tính theo một tháng và quý của xuất khẩu thủy sản Việt Nam từ trước đến nay.

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết, dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 4 vẫn duy trì tăng trưởng 25% đạt 934 triệu USD. Trong đó, tôm và cá tra tiếp tục là điểm sáng. Đáng chú ý, theo VASEP, hiện nhu cầu các mặt hàng thủy sản ở các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh... đang rất lớn. Hàng loạt nhà hàng, siêu thị ở các thị trường đang mở cửa trở lại, giúp các DN Việt Nam đầy ắp đơn hàng đến cuối năm.

Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công Trần Như Tùng cho biết, trong năm qua, thách thức đặt ra là ngành đang phải đối mặt với chi phí vận chuyển tăng cao. Trong lúc đó, tình hình dệt may trong nước cũng phải đối mặt với thách thức về chi phí logistics tăng, giữ chân và tìm lao động mới.

Tuy vậy, hiện các thị trường đã dần ổn định, Thành Công đã có đơn hàng đến hết quý III. Doanh thu quý I/2022 đạt hơn 1.081 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ và lãi sau thuế 69 tỷ đồng, tăng 17%. Công ty đặt kế hoạch doanh thu năm nay đạt gần 4.200 tỷ đồng và 254 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 18% và 77% so với năm trước.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt chia sẻ: May 10 định hướng mở thêm 3 nhà máy, tuyển thêm từ 3.000 - 5.000 lao động cho dự án tại Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình. Với kế hoạch này, May 10 sẽ không chỉ phục vụ cho những đơn hàng được phục hồi trong năm nay, mà đón đầu cả những đơn hàng mới; đồng thời giúp DN tự chủ hơn về nguồn hàng, sản xuất.

Đà phục hồi sẽ mạnh hơn trong quý II

Quý I/2022 kinh tế Việt Nam khởi sắc khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 5,03% so với cùng kỳ năm 2021. Hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi, tăng trưởng trở lại. Trong đó, nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh nhất tính từ năm 2020 đến nay, tiệm cận mức tăng trước đại dịch.

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam mới được công bố gần đây với tựa đề “Việt Nam – đà phục hồi sẽ mạnh hơn trong quý II”, Ngân hàng Standard Chartered duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,7% trong năm 2022 khi các chỉ số kinh tế đã có sự phục hồi trên diện rộng. Quá trình phục hồi kinh tế có thể sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn vào cuối quý II khi nhu cầu nội địa và lĩnh vực du lịch phục hồi.

Đóng gói hàng xuất khẩu tại Công ty May 10. Ảnh: Thanh Hải
Đóng gói hàng xuất khẩu tại Công ty May 10. Ảnh: Thanh Hải

Theo các chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered, Việt Nam vẫn tiếp tục là một trung tâm sản xuất và mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam cũng tăng lên. “Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục là động lực chính giúp Việt Nam đóng góp vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều DN công nghệ lớn trên thế giới đã chuyển hoặc có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam trong những năm gần đây nhằm đa dạng chuỗi cung ứng" - chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered Tim Leelahaphan nói.

Hãng Bloomberg nhận định, GDP của Việt Nam dự kiến tăng 6 - 6,5% vào năm 2022. Sản xuất sẽ là động lực chính, trong khi du lịch, xây dựng và các ngành công nghiệp khác dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi. Bloomberg cho hay, hoạt động sản xuất mạnh mẽ hơn là chìa khóa để duy trì tăng trưởng chung ở Việt Nam, nơi xuất khẩu là động lực chính của nền kinh tế. Vào tháng 1, Quốc hội Việt Nam đã thông qua gói kích thích trị giá khoảng 347.000 tỷ đồng (15,2 tỷ USD) để đưa nền kinh tế vượt qua sự gián đoạn của dịch  Covid-19 và đạt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm nay.

Tương tự, ADB vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn nhờ tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 cao cũng như sự chuyển hướng tiếp cận linh hoạt hơn trong kiểm soát đại dịch, thương mại tiếp tục mở rộng và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ (ERDP). Tăng trưởng có thể được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nội địa, của việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới và sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. ADB dự báo GDP Việt Nam đạt 6,5% năm 2022 và 6,7% năm 2023.

Chủ động trước những bất ổn kinh tế

Mặc dù đạt kết quả khởi sắc trong quý I/2022 nhưng kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Xung đột Nga - Ukraina vẫn là nguy cơ lớn do những căng thẳng địa chính trị được cho là đã làm gia tăng nguồn cung toàn cầu đối với mọi thứ, từ thực phẩm đến nhiên liệu. Tại Việt Nam, giá tiêu dùng đã tăng 2,41% trong tháng 3 so với một năm trước đó, so với mục tiêu của Chính phủ là giới hạn lạm phát trung bình ở mức 4% trong năm nay.

GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều yếu tố tác động khó lường. Nhiều tổ chức trên thế giới đã thay đổi các dự báo của mình hàng tuần để bắt kịp với diễn biến mới của tình hình thế giới và có giải pháp ứng phó kịp thời. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cũng cần cập nhật tình hình thế giới, dự báo trước những tình huống có thể xảy ra để chủ động ứng phó.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự báo, tình hình kinh tế của cả nước sẽ tiếp tục có những thuận lợi, cơ hội, khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi. Do đó, Thủ tướng khẳng định, trước hết, cần tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô bằng mọi biện pháp; bám sát tình hình, diễn biến thị trường trong và ngoài nước để bảo đảm các cân đối lớn, không để bị động, bất ngờ.

Fitch Ratings đánh giá Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ lĩnh vực xuất khẩu nhờ vào việc thực hiện các hiệp định thương mại quan trọng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn duy trì tăng trưởng cao và dòng chảy du lịch đang dần nối lại từ năm 2022. Cùng với đó, Fitch Ratings ghi nhận việc ban hành gói kích thích tài khóa - tiền tệ để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn, dự trữ ngoại hối được bồi đắp trong thời gian qua đang đạt mức cao kỷ lục, tạo bộ đệm để Việt Nam ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài.

Nhìn chung, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tổng quát “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân”, cùng với “tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp tổng thể”. Cùng với đó, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế… thì cơ hội phục hồi nền kinh tế Việt Nam năm 2022 là khả quan.

 

Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng 2022 rất khả quan, thấp nhất là 6% và cao nhất là 8%. Cần đảm bảo triển khai nhanh chóng và hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng. Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động, tôi tin rằng tăng trưởng GDP năm 2022 có thể lên tới 7% đến 7,5%, nếu như không có những gì quá đột biến

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh

 

 

Động lực tăng trưởng từ các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp đang cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực. Đặc biệt, lĩnh vực dịch vụ, du lịch nhiều khả năng sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2022. Nghị quyết của Chính phủ cũng yêu cầu năm nay giải ngân đầu tư công đạt 100% kế hoạch.

Các yếu tố khác có tác động tích cực đến tăng trưởng là tỷ giá, lãi suất được giữ ở mức ổn định, sự phát triển của kinh tế số và các biện pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Tuy khó khăn còn nhiều, song tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam cũng rất lớn. Vấn đề quan trọng là nền kinh tế có thể biến tiềm năng thành cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022.

TS Cấn Văn Lực