May hàng xuất khẩu tại Công ty CP May 10. Ảnh: Thanh Hải |
Theo WB, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã tạo cú sốc nguồn cung ở Trung Quốc, sau đó gây ra cú sốc trên toàn cầu, các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương phải đối mặt với suy thoái. WB dự đoán tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương năm 2020 sẽ chỉ còn 2,1% theo kịch bản cơ sở, và thậm chí xuống mức âm 0,5% cho năm 2020, so với mức dự báo 5,8% hồi năm 2019.
Báo cáo chỉ rõ rủi ro tương đối lớn về khả năng rơi vào nghèo đói ở các hộ gia đình sống phụ thuộc vào các ngành nghề đặc biệt dễ bị tổn thương trong đại dịch Covid-19, như ngành du lịch ở Thái Lan, ngành chế tạo chế biến ở Campuchia... Tại một số quốc gia, tác động của dịch bệnh còn bị trầm trọng hóa bởi những diễn biến đặc thù của quốc gia như hạn hán ở Thái Lan...
Với Việt Nam, báo cáo nhận định: Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và những xáo trộn hiện nay trên thị trường tài chính toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn tạm thời đứng vững trước các cú sốc bên ngoài trong mấy tháng đầu năm 2020. Nhìn theo hướng tích cực, Việt Nam đang có vị thế vững chắc để hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực trong thời gian tới. Theo WB, trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tăng trưởng 8%, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam lên đến 2,5 tỷ USD, ngành bán lẻ tăng trưởng 5,4%.
Rủi ro thách thức phía trước
Triển vọng trung hạn nhìn chung thuận lợi nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19. Ước tính sơ bộ cho thấy, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có thể giảm còn khoảng 4,9% năm 2020 (kịch bản cơ sở); kịch bản xấu 1,5%, thấp hơn nhiều mức 7,0% của năm 2019. Du lịch, chế tạo và chế biến là các ngành chịu tác động tiêu cực nhất của dịch bệnh do các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, dòng vốn FDI đổ vào ít hơn. Áp lực lạm phát dự báo sẽ tăng lên tạm thời. “Trong điều kiện nhiều hộ gia đình hiện nay sinh sống phụ thuộc vào lương, kể cả ở các vùng nông thôn, suy giảm trong các ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng, sản xuất và chế biến có thể tạm thời làm tăng tỷ lệ nghèo trong nửa đầu năm 2020” - báo cáo chỉ rõ.
Cũng theo báo cáo, bội chi ngân sách tạm thời tăng lên trong năm 2020 do thu ngân sách thấp hơn và do triển khai gói kích cầu tài khóa nhằm phần nào bù đắp tác động tiêu cực của đại dịch toàn cầu với nền kinh tế Việt Nam. WB khuyến nghị, trong thời gian tới, Việt Nam có thể quản lý được những rủi ro bên ngoài bằng cách đa dạng hóa thị trường thương mại, cải thiện năng lực cạnh tranh, tuân thủ theo các hiệp định thương mại thế hệ mới… Theo WB, tác động ngắn hạn đến nền kinh tế Việt Nam có thể lớn, nhưng không kéo dài nếu như dịch bệnh được kiềm chế nhanh chóng. Nỗ lực củng cố tình hình tài khóa, theo WB dự kiến, sẽ tiếp diễn từ năm 2021 trở đi, qua đó tiếp tục làm giảm tỷ lệ nợ công trên GDP. Trong trung hạn, tăng trưởng dự báo sẽ quay lại lên đến 7,5% trong năm 2021 và dao động quanh mức khoảng 6,5% năm 2022 nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục. Nền kinh tế sẽ lại bật lên sau khi đại dịch Covid-19 trên toàn cầu được kiểm soát.