Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế - xã hội TP.HCM tiếp tục tăng trưởng mạnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (23/4), UBND TPHCM đã tổ chức phiên họp thường kỳ để đánh giá về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh của thành phố.

Theo đó, tình hình kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng - an ninh được giữ vững để sẵn sàng đón chào kỷ niệm những ngày lễ lớn của thành phố.

Đại diện UBND TP.HCM cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng 4 ước đạt 51.794,6 tỷ đồng, tăng 3,9% so tháng trước và tăng 11,7% so cùng kỳ; 4 tháng đầu năm ước đạt 204.513,3 tỷ đồng, tăng 12,1% so cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố biến động giá, mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 7,2% so cùng kỳ.
4 tháng đầu năm 2015, kinh tế TP.HCM phát triển mạnh
4 tháng đầu năm 2015, kinh tế TP.HCM phát triển mạnh
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 giảm 0,04% so với tháng trước, tăng 0,14% so với tháng 12/2014. Đây là tháng giảm thứ hai liên tiếp của chỉ số giá tiêu dùng (chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2014 giảm 0,46% so tháng trước). Doanh thu dịch vụ du lịch, giao thông vận tải đều tăng khá so cùng kỳ.

Ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao hơn so cùng kỳ; chỉ số phát triển công nghiệp ước tăng 5,2% so cùng kỳ. Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, có dấu hiệu khởi sắc; cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp khai khoáng.

Tình hình đầu tư của doanh nghiệp trong nước và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục có chuyển biến tốt, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và vốn tiếp tục tăng so với cùng kỳ, số dự án FDI đăng ký mới tiếp tục tăng mạnh.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều tiến bộ, công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách và người nghèo được quan tâm chu đáo. Tình hình thị trường lao động ổn định, số lao động đến đăng ký thất nghiệp giảm.

Theo ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, nguyên liệu nhập khẩu tăng để phục vụ cho nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp là điều đáng mừng. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố 4 tháng đạt gần 9,3 tỉ đô la Mỹ, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 8 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 4 đạt 1,11 triệu tỉ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ cho thấy hoạt động sản xuất đã sôi động trở lại. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội trong 4 tháng đầu năm có mức tang hơn gấp đôi so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái với tổng tổng vốn đầu tư hơn 26.800 tỉ đồng, tăng 4,5% (cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 2,1%)”.

“Thu ngân sách trên địa bàn thành phố trong 4 tháng đầu năm đạt 98.147 tỉ đồng, tăng 9,63% so cùng kỳ. Trong đó, thu từ lĩnh vực kinh tế đạt 41.209 tỉ đồng, tăng 9,21% so cùng kỳ. Tình hình thu ngân sách tại thành phố rất khả quan, đạt tỷ lệ cao so với dự toán và có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ, nổi trội hơn hẳn là nguồn thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài quốc doanh”, bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính cho biết.

Chủ tịch Lê Hoàng Quân khẳng định: “Trên cơ sở kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong 4 tháng đầu năm, chính quyền TP.HCM sẽ tiếp tục quyết liệt trong chỉ đạo điều hành để phấn đấu GDP năm 2015 tăng từ 9,5% trở lên. Thành phố đề nghị các sở ngành, quận - huyện cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Nghị quyết của Chính phủ, Kết luận của Thành ủy và Quyết định của UBND TP đã đề ra. Đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp để ổn định và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh”.