Sự kiện do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức.
Nhiều mô hình kinh tế mới
Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế xã hội nói chung, và trong tăng trưởng kinh tế nói riêng. Kinh tế tăng trưởng dương được duy trì trong nhiều thập niên, thậm chí còn ở mức tương đối cao trong nhiều giai đoạn, chẳng hạn như giai đoạn 2016 - 2019 với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt tới 6,8%/năm.
Theo bà Trần Thị Hồng Minh, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và năm 2045, Việt Nam nhìn nhận duy trì tăng trưởng kinh tế cao và liên tục là một điều kiện tiên quyết. Để làm được điều này, Việt Nam đã và đang nhìn thẳng vào những vấn đề khó khăn của nền kinh tế, giải trình hiệu quả các nội dung liên quan như kết quả tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng qua, hay các định hướng, giải pháp nhằm kích thích tổng cầu...
Trong khí đó, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đánh giá cao sự sáng tạo, bao phủ nhiều nội dung có liên quan đến các vấn đề từ ngắn hạn, đến trung và dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.
Trong giai đoạn hiện nay, thế giới xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới như kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm và kinh tế dữ liệu. “Đây là những vấn đề Việt Nam đang rất quan tâm nhằm tạo ra không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới” - ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.
Đồng thời cho biết, việc phát triển kinh tế tuần hoàn, với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đòi hỏi Việt Nam phải chuyển dịch nhiều ngành kinh tế. Việc gắn kết các kế hoạch, chủ trương về các nền kinh tế mới phải thực hiện một cách đồng bộ, có lộ trình cụ thể để tránh việc chồng chéo về chính sách, bám sát với thực tiễn nền kinh tế. Tăng cường khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung khẳng định, phát triển bền vững vừa là quan điểm, vừa là mục tiêu xuyên suốt, được thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua các thời kỳ.
Báo cáo mới nhất của Liên Hợp quốc cho thấy, dù thế giới đã đi được nửa chặng đường, song kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs hiện rất đáng quan ngại với chỉ 12% mục tiêu cụ thể đang đi đúng tiến độ.
Ưu tiên đầu tư cho khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao
Liên quan đến các mô hình kinh tế mới, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cho rằng thời gian tới cần ưu tiên đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bắt kịp xu thế tiến bộ của thế giới, đặc biệt là các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo; sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của tất cả các bên liên quan.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã nỗ lực để thể chế hóa quan điểm, mục tiêu phát triển bền vững đề ra, vừa tạo hành lang pháp lý để triển khai các mô hình kinh tế mới, vừa tạo động lực tăng trưởng và phát triển mới Qua đó, đóng góp trực tiếp vào mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững trong tình hình mới.
“Qua Diễn đàn, các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn, doanh nghiệp FDI cần phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong việc tiếp cận, chuyển giao các mô hình, công nghệ mới có tính dẫn dắt và là xu thế của thời đại” - Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nói.
Theo TS. Chử Văn Lâm - Tổng biên Tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam, sau giai đoạn Covid-19, kinh tế số đã có tốc độ tăng trưởng đáng kể, là cơ sở đảm bảo mục tiêu đặt ra tại Chiến lược Phát triển kinh tế số và Xã hội số giai đoạn 2021 - 2030 là 30% GDP. Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án phát triển Kinh tế tuần hoàn, giao Bộ KH&ĐT xây dựng Nghị định cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.
Chương trình tọa đàm với sự tham gia của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong nước với nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ về việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… Đại diện các doanh nghiệp đều khẳng định, ngoài những hỗ trợ và mặt chính sách của Chính phủ, các doanh nghiệp phải chủ động áp dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để làm chủ tình hình mới. Việc ứng dụng hiệu quả các mô hình kinh tế mới, mô hình kinh doanh mới, tạo các bước đột phá mới cho doanh nghiệp, tạo động lực mới cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Một trong số các doanh nghiệp tiêu biểu được vinh danh. Ảnh: Khắc Kiên
Tại sự kiện, Ban Tổ chức đã vinh danh 5 doanh nhân xuất sắc với các dấu ấn thành công nổi bật: Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng; Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga; Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn GELEXIMCO Vũ Văn Tiền; Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam Hà Thị Thu Thanh; Tổng Giám đốc VinFast Toàn cầu Lê Thị Thu Thủy.
Trong TOP 10 Thương hiệu Mạnh Việt Nam năm 2023: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Masan, Tập đoàn Trường Hải, Tập đoàn FPT…