Tại Hà Nội, những năm qua, TP đã có nhiều giải pháp nhằm giải quyết vấn đề quy hoạch “treo”, dự án “treo”. Tuy nhiên, để triệt tiêu tận gốc tình trạng này, những quy định pháp lý liên quan cần sớm được hoàn thiện, đồng bộ với thực tế, cùng đó là sự vào cuộc với quyết tâm cao của chính quyền địa phương.
Đất “treo”, người khổ
Nhiều năm qua, tình trạng quy hoạch "treo", dự án “treo” khiến người dân có đất trong diện quy hoạch phải sống cảnh khốn khổ, thậm chí, nhà cửa xập xệ nhưng vẫn phải "án binh bất động" là thực tế đang tồn tại ở nhiều đô thị, trong đó có Hà Nội.
Tại báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới các kỳ họp HĐND hay tại những buổi tiếp xúc đại biểu HĐND TP, luôn có hàng chục nội dung kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo sở, ngành liên quan phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại dự án, quy hoạch; xác định tính khả thi của những quy hoạch trong thực tiễn. Nếu dự án "treo" không thực hiện thì thu hồi và hủy bỏ, tránh gây khó cho đời sống người dân, làm mất mỹ quan đô thị, đặc biệt tránh lãng phí tài nguyên đất đai.
Đơn cử, trước Kỳ họp thứ 3, HĐND TP khóa XVI vừa qua, cử tri huyện Sóc Sơn đề nghị UBND TP đẩy nhanh tiến độ dự án Trường quay ngoài trời trên địa phận xã Phù Linh. Dự án đã có quy hoạch đến nay gần 10 năm, song vẫn chưa khởi động, làm lãng phí tài nguyên đất và ảnh hưởng đến canh tác của Nhân dân.
Hay tại huyện Đan Phượng, dự án Khu đô thị Hồng Thái giai đoạn 2011 – 2020 được quy hoạch gần 48ha, nhưng đến giờ vẫn chưa triển khai khiến người dân không biết hướng để chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế.
Cử tri thị xã Sơn Tây phản ánh, dự án Khu đô thị Mỹ Hưng của công ty Picenza kéo dài 3 năm nay không thực hiện gây khó khăn cho một số hộ dân nằm trong quy hoạch khi làm thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, diện tích nằm trong quy hoạch dự án cũng chưa thực hiện GPMB…
Và một trong những quy hoạch treo điển hình gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hàng chục hộ dân trong suốt nhiều năm phải kể đến dự án Sông Hồng City thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 từ năm 1995 nhưng đến nay, sau 27 năm vẫn nằm trên giấy.
Tình cảnh khiến 80 hộ dân của phường Yên Phụ sống trên khu đất thuộc dự án muốn chuyển nhượng, sang tên quyền sử dụng đất, mua bán, cải tạo, xây dựng nhà... đều không thể thực hiện. Chính vì điều này, cử tri đã đề nghị UBND TP Hà Nội cần có giải pháp xử lý dứt điểm.
Đồng bộ giải pháp để khắc phục triệt để
Theo kết quả giám sát của HĐND TP Hà Nội, đến nay, trên địa bàn TP có 379 dự án chậm triển khai tại khắp các quận, huyện. Trong đó có không ít các dự án “treo” từ thập niên này sang thập niên khác ngay cả tại những khu vực được xem là “đất vàng”.
Theo đánh giá của HĐND TP Hà Nội, nguyên nhân của việc chậm triển khai là do quy định pháp luật về quản lý đất đai, quản lý đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ. Trong khi đó, việc phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành của UBND TP Hà Nội chưa xuyên suốt; chưa quy định trách nhiệm cụ thể của từng ngành, cấp trong việc phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; nhiều chủ đầu tư dự án chấp hành pháp luật đất đai, chấp hành chế độ báo cáo giám sát đầu tư chưa tốt; vẫn còn tình trạng cố ý sử dụng đất sai mục đích…
Để khắc phục triệt để tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại Hà Nội nói riêng và trên địa bàn cả nước nói chung, mới đây, tại Công văn số 615/TTg-CN ngày 20/7/2022 trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần có sự phối hợp đồng bộ giữa bộ, ngành và chính quyền các địa phương. Trong đó, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan cần tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng. Hoàn thiện thể chế về thanh tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch.
Đối với chính quyền các địa phương, cần rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi. Rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng dự án "treo”. Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tăng cường việc giám sát của người dân, cơ quan dân cử, của đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng.
Để triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan đến vấn đề quy hoạch “treo”, dự án “treo”, trong thời gian tới ,Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT và nhiều bộ, ngành, địa phương rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ, cũng như kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ. Cùng với đó, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án nhằm phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.