Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở khám chữa bệnh và người dân

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedorhi - Chiều 27/7, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhằm kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN, cơ sở khám chữa bệnh (KCB) và người dân trên địa bàn Hà Nội, Đoàn công tác do ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại TP Hà Nội. Dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng.

Gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19
Báo cáo tình hình thực hiện một số chỉ tiêu, nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2021 và thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đều tăng so với cùng kỳ, đảm bảo độ bao phủ BHXH, BHYT và chỉ tiêu được giao năm 2021. Đặc biệt, số người tham gia BHYT tăng 295.869 người so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90,4% dân số. Số tiền thu BHXH, BHYT, BHTN đến 30/6/2021 là 23.347 tỷ đồng, tăng 1.593 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020, đạt 45,3% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Hết tháng 6/2021, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT là 4.754,2 tỷ đồng, chiếm 9,16% kế hoạch thu, tăng 8,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020, tăng 1.390,2 tỷ đồng so với 31/12/2020. 
Trong 6 tháng đầu năm 2021, thực hiện giải quyết các chế độ BHXH, BHTN cho 405.335 lượt đối tượng với số tiền 3.355,5 tỷ đồng. Trong đó, BHXH một lần tăng 2.684 người tương đương tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2020; BHTN tăng 1.064 lượt người tương đương tăng 0,74% so với cùng kỳ năm 2020.
 Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
BHXH TP phối hợp Bưu điện TP thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH tháng 7,8/2021 vào một kỳ chi trả tháng 7/2021 của 587.850 với số tiền 5.700,8 tỷ đồng đảm bảo an toàn, đúng kỳ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm chi trả. Lũy kế đến nay, BHXH TP đã chi lương hưu và trợ cấp BHXH với số tiền 22.526,76 tỷ đồng. Số người nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng qua thẻ ATM là 179.780 người, đạt 30,6%.
Năm 2021, BHXH TP ký hợp đồng KCB BHYT với 181 cơ sở KCB từ tuyến Trung ương đến tuyến y tế cơ sở có đủ điều kiện để tổ chức công tác KCB, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn phát sinh 4.802.205 lượt KCB (giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2020), số tiền 8.520,1 tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020). BHXH TP ký phụ lục hợp đồng về thực hiện thanh toán theo quỹ định suất từ 1/7/2021 đến 31/12/2021 với 142 cơ sở KCB.
Thời gian qua, BHXH TP phối hợp với Sở Y tế giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh liên quan đến việc đảm bảo quyền lợi của người bệnh khi có cơ sở KCB phải thực hiện cách ly, phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền liên quan đến dịch Covid-19. Đơn cử, hướng dẫn người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu và các trường hợp đến  KCB tại các cơ sở y tế có chuyển đổi công năng sang điều trị bệnh nhân Covid-19 được KCB tại các cơ sở KCB khác trên địa bàn, đảm bảo quyền lợi bệnh nhân BHYT kịp thời đúng quy định. Chi phí xét nghiệm Covid-19 trong 6 tháng đầu năm 2021 là  gần 24,353 tỷ đồng. Trong đó test nhanh 1.747 trường hợp, chi phí là hơn 415 triệu đồng; xét nghiệm Realtime-PCR là 35.341 trường hợp, chi phí là gần 23,937 đồng.
Ngoài ra, theo ông Hòa, BHXH TP là một trong những đơn vị hoàn thành sớm nhất toàn quốc về thông báo cho các đơn vị, DN tạm tính số tiền hỗ trợ giảm mức đóng quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp 12 tháng (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) đối với 87.472 đơn vị tương ứng hơn 1.439.694 lao động với số tiền là hơn 643  tỷ đồng.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2021, tạm dừng quỹ hưu trí, tử tuất có khoảng 7.677 đơn vị, với 55.758 lao động đủ điều kiện giảm quỹ hưu trí, tử tuất với số tiền ước giảm 83 tỷ đồng. Chi hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ) có 45.358 đơn vị với 1.177.458 đóng đủ BHTN đến hết tháng 6/2021. Đến nay, trên địa bàn TP đã có 3.522.913 người cài đặt ứng dụng VssID-BHXH số, đạt 113,2% kế hoạch BHXH Việt Nam giao đã tạo thuận cho người tham BHYT đi KCB.
Tuy nhiên, theo ông Hòa, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các DN gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhất là các DN du lịch, thương mại... dẫn đến tỷ lệ nợ BHXH tăng cao. Cùng với đó, tỷ lệ người nhận lương hưu và các chế độ BHXH qua thẻ ATM chuyển từ Công an, Quân đội và từ các tỉnh khác về Hà Nội thấp, chỉ đạt 36,69% trong khi tỷ lệ người nhận lương hưu và các chế độ BHXH.
Liên quan đến công tác quyết toán chi KCB BHYT năm 2020, BHXH TP cho rằng, năm 2020 chi phí vượt tổng mức thanh toán là 910 tỷ đồng, nguyên nhân vượt chủ yếu tại mục C7 (chi phí phát sinh do thay đổi mã bệnh và lượt khám). Do năm 2020 số lượt KCB giảm so với năm 2019 do dịch bệnh Covid (giảm 1,317 triệu lượt, có 144/190 cơ sở KCB có lượt KCB 2020 giảm so với năm 2019).  Bên cạnh đó, thực trạng mã bệnh ICD, mã loại KCB của các cơ sở KCB còn nhiều sai sót, không đúng với tên bệnh thực tế trên hồ sơ bệnh án và chứng từ thanh toán, làm ảnh hưởng đến số liệu và tiến độ thẩm định tổng mức thanh toán. Đến thời điểm hiện tại còn 44/190 cơ sở KCB có kiến nghị hiệu chỉnh mã ICD, mã loại KCB.
Về việc thanh toán chi phí KCB BHYT liên quan đến dịch Covid-19, BHXH TP nêu rõ, việc phân định rõ chi phí nào điều trị Covid-19 và chi phí nào điều trị bệnh khác rất khó khăn như tiền giường, tiền xét nghiệm cận lâm sàng mà không phải xét nghiệm Covid-19 như xét nghiệm máu, nước tiểu...
 Quang cảnh buổi làm việc.
Đặc biệt, liên quan đến hồ sơ ký hợp đồng KCB BHYT đối với Bệnh viện dã chiến, BHXH TP cho rằng, trường hợp địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đối với người bệnh BHYT đang được quản lý, điều trị bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, sử dụng thuốc chống thải ghép hàng tháng... Việc cơ sở y tế tuyến trên chuyển thuốc về cơ sở y tế tuyến dưới nơi bệnh nhân sinh sống để tiếp tục khám, cấp thuốc theo phác đồ đang điều trị tại tuyến trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới sức khỏe và quyền lợi của người bệnh.
Đối với các trường hợp người có thẻ BHYT đang được quản lý điều trị các bệnh mạn tính tại các cơ sở KCB nhưng phải cách ly tại các cơ sở cách ly y tế hoặc bị phong tỏa, việc khám bệnh cấp thuốc BHYT để tiếp tục điều trị bệnh mạn tính gặp khó khăn, nhất là đối với các trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn của trạm y tế xã, phường, thị trấn tại nơi bị phong tỏa.
Cần sự vào cuộc quyết liệt
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao TP Hà Nội đã nghiêm túc bám sát chỉ đạo của Chính phủ theo Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23. Hà Nội đã chủ động, kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trên địa bàn TP trong việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Hà Nội cũng là địa phương đi đầu cả nước thực hiện sớm việc thực hiện hỗ trợ giảm mức đóng quỹ tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp cho trên 87.000 DN tương ứng hơn 1,4 triệu lao động với số tiền trên 643 tỷ đồng. Tuy nhiên, về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn TP, lãnh đạo BHXH Việt Nam lưu ý, công việc này không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành BHXH mà phải có sự chỉ đạo trực tiếp, cụ thể của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của UBND các địa phương và sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể TP.
“Do vậy, Hà Nội tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện kịp thời, toàn diện những vấn đề Trung ương chỉ đạo, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam giải quyết ngay những vấn đề phát sinh do đặc thù của Hà Nội nhằm đạt được mục tiêu đề ra, tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. BHXH Việt Nam yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương phối hợp chặt chẽ với BHXH TP trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu về BHXH, BHYT năm 2021. Đồng thời, TP cần tăng cường thanh kiểm tra các đơn vị nợ đóng, trốn đóng BHXH, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính đảm bảo quyền lợi của NLĐ” – ông Mạnh nêu rõ.
Qua ý kiến phát biểu của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho rằng, những nội dung vướng mắc hiện nay liên quan đến vấn đề về đại dịch Covid-19 tác động đã có những bước được giải quyết ban đầu, tạo thuận lợi cho người dân và DN cũng như các chính sách hỗ trợ cho NLĐ, NSDLĐ trong việc thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ.
 Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại buổi làm việc.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, BHXH, BHYT là 2 chính sách quan trọng trong chính sách an sinh xã hội. Thời gian qua, TP Hà Nội luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát các chính sách này. Tuy nhiên, thời gian tới, BHXH TP tiếp tục cố gắng, tập trung, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, UBND quận, huyện, thị xã và sự phối hợp tích cực, chủ động, hiệu quả của các sở ngành, tổ chức đoàn thể trên địa bàn TP. Lãnh đạo TP đề nghị BHXH Hà Nội quan tâm, tập trung khắc phục những tồn tại, đặc biệt là vấn đề nợ đọng, giải quyết dứt điểm các vụ việc, tránh để lâu, kéo dài. BHXH TP cũng chủ động, phối hợp với các đơn vị, sở, ngành, địa phương thực hiện chính sách BHXH, BHYT để đảm bảo các chỉ tiêu trong năm 2021. Bên cạnh đó, BHXH TP tăng cường thanh kiểm tra các đơn vị nợ đọng, trốn đóng BHXH, những vấn đề tồn đọng cần khắc phục. “Chúng ta phải chủ động thanh kiểm tra, không để xuất hiện những tình huống mới, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính, đảm bảo quyền lợi của NLĐ” - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP mong muốn BHXH TP  không ngừng đổi mới phong cách phục vụ, cải cách thủ tục hành chính, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Với sự chỉ đạo của ngành,  BHXH TP tiếp tục đổi mới công tác quản lý, tổ chức, đặc biệt ứng dụng CNTT số hóa để triển khai một cách hiệu quả trong giai đoạn hiện nay dưới tác động của dịch Covid-19.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị BHXH Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ BHXH TP hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời TP kiến nghị BHXH Việt Nam tháo gỡ khó khăn, xem xét điều chỉnh cách tính tổng mức thanh toán chi phí KCB phù hợp với thực tế chi phí của năm 2019, 2020 tại các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn TP. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, BHXH Việt Nam có những hướng dẫn, tiếp tục tạo điều kiện cơ chế, chính sách để làm sao người dân và các DN được hưởng quyền lợi một cách tối đa nhất. Đặc biệt là việc phối hợp với các đơn vị Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội cũng có những đề xuất, kiến nghị cụ thể trong một số chính xác.
“Thời gian qua, BHXH TP đã triển khai ứng dụng VssID-BHXH số rất tích cực, trúng và đúng nên nhận được sự ủng hộ của người dân, vượt tỷ lệ 13,2%. Vì vậy, TP mong muốn BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH TP và các địa phương tiếp tục số hóa trong triển khai những công việc hàng ngày. Ngoài ra, TP cũng đề nghị chi lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 9,10 vào cùng kỳ chi lương tháng 9 để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19” - Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần