Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kostas Nguyễn Văn Lập là người anh, người đồng đội đáng quý

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhắc đến người đồng đội Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập từng chiến đấu với nhau suốt 20 năm, đại tá Võ Văn Minh nói: “Đối với tôi, ông Lập là người anh, người đồng đội đáng quý. Chúng tôi đã trải qua những kỷ niệm tàn khốc nhưng cũng quá đỗi đẹp đẽ đời lính”.

Anh hùng LLVT Nhân dân Việt Nam Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập. Ảnh: Quân khu
Anh hùng LLVT Nhân dân Việt Nam Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập. Ảnh: Quân khu

Cái quý nhất của anh Lập là đôi chân trần!

Trong dòng người đến viếng và tiễn đưa Anh hùng LLVT Nhân dân Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập về nơi an nghỉ cuối cùng vào sáng 2/8 tại Nhà tang lễ Quân khu 5, có đồng đội từng chiến đấu suốt 20 năm ở chiến trường, đó là đại tá Võ Văn Minh (92 tuổi, hiện ở quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Đại tá Võ Văn Minh đi cùng hai đồng đội khác từng sống và chiến đấu ở Liên khu 5. Thắp nén nhang tiễn đưa người anh, người đồng chí, đồng đội đáng quý, rồi đại tá Minh đưa tay lên chào. Được sự hỗ trợ của người thân, đại tá Minh bước đến bên hòm tro cốt Anh hùng LLVT Nhân dân Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập đang phủ lá quốc kỳ, ông đặt tay lên một hồi thật lâu để tưởng nhớ đồng đội…

Khi đến chỗ những người con của Kostas Nguyễn Văn Lập, đại tá Võ Văn Minh ôm từng người thật chặt, động viên rồi dặn dò thật kỹ: “Sau hôm nay, phải ghé nhà đấy nhé”. Lời dặn dò thân tình ấy sau này qua trò chuyện tôi mới hiểu, Kostas Nguyễn Văn Lập cùng vợ con đối với đại tá Võ Văn Minh vốn như người một nhà.

Khi được hỏi về Kostas Nguyễn Văn Lập, đại tá Võ Văn Minh xúc động nói: “Đối với tôi, ông Lập là người anh, người đồng đội đáng quý. Chúng tôi đã trải qua những kỷ niệm tàn khốc nhưng cũng quá đỗi đẹp đẽ đời lính. Anh Lập là người gan dạ, dũng cảm mà chúng tôi ai cũng quý mến. Những câu chuyện đó, hình ảnh đó, suốt một đời tôi không bao giờ quên được”.

Rồi đại tá Minh kể: “Tôi quen ông Lập năm 19 tuổi, lúc đó ông ấy 21 tuổi. Chúng tôi chiến đấu với nhau 20 năm ở Trung đoàn 803. Lúc đó, ông Lập tiếng Việt không biết mà chỉ biết tiếng Pháp. Tôi cũng biết một ít tiếng Pháp nên thủ trưởng đơn vị lệnh cho tôi là: Lập đi đâu thì anh Minh theo đó”.

Đại tá Võ Văn Minh tưởng nhớ Anh hùng LLVT Nhân dân Kostas Nguyễn Văn Lập. Ảnh: Quang Hải
Đại tá Võ Văn Minh tưởng nhớ Anh hùng LLVT Nhân dân Kostas Nguyễn Văn Lập. Ảnh: Quang Hải

Sau một lúc hồi tưởng, đại tá Minh kể tiếp: “Ông Lập tội lắm, cái súng nào nặng nề nhất ở đơn vị đều giao cho ông hết, vì ông ấy khỏe nhất. Ông Lập tội nghiệp nhất là đi chân không vì không có giày. Anh em tôi quen rồi không sao nhưng ông Lập đi chân không lại mang súng nặng…”.

Tiếp mạch câu chuyện về đôi chân trần, đại tá Minh nhắc nhớ kỷ niệm hai anh em đi bộ 10km để uống một ly cà phê: “Ngày đó ở tại ga Phú Cang (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), ông Lập nói với tôi: Minh ơi, mình thèm cà phê quá. Tôi nói, cà phê phải đi bộ từ ga Phú Cang ra 10 cây số, mà đi đường đá. Ông Lập nói đá cũng đi. Tôi đi trên đường đá quen rồi còn anh Lập chân trần rón rén cả 10 cây số để uống ly cà phê”.

Kết lại những ký ức, những kỷ niệm về người anh, người đồng đội đáng quý trong những ngày tháng kề vai sát cánh chiến đấu, đại tá Võ Văn Minh nói: “Cái quý nhất của ông Lập là đôi chân trần!”.

Gặp lại nhau nhờ một bài báo

Đại tá Võ Văn Minh và Kostas Nguyễn Văn Lập mất liên lạc rất lâu, cho đến năm 2005, nhờ một bài báo mà hai người đồng chí, đồng đội đã gặp lại nhau.

“Năm 2005, ông Lập qua Hà Nội làm gì tôi không biết, nhưng ông có viết một bức thư gửi lên báo Quân đội nhân dân nói rằng: “Tôi là Bộ đội Quân khu 5, những người bạn cũ có ai còn nhớ đến tôi không?”. Tình cờ tôi đọc được bài báo đó nên đã viết thư gửi cho ông Lập. Tôi nhờ nhà báo Mỹ Hạnh của báo Quân đội nhân dân chuyển bức thư đó. Nhận được bức thư, ông Lập qua liền Đà Nẵng thăm tôi” - đại tá Minh nhớ lại.

Đến Đà Nẵng khi đó, đại tá Minh đã đưa ông Lập về nhà riêng của mình ở 111 đường Ngũ Hành Sơn ở mấy ngày. Sau đó, ông Lập cũng đưa vợ và con qua thăm, ở lại nhà đại tá Minh. “Chúng tôi ngủ cùng nhau một giường, nói với nhau rất nhiều chuyện” - đại tá Minh chia sẻ thêm.

Lễ truy điệu Anh hùng LLVT Nhân dân Kostas Nguyễn Văn Lập vào sáng 2/8. Ảnh: Quang Hải
Lễ truy điệu Anh hùng LLVT Nhân dân Kostas Nguyễn Văn Lập vào sáng 2/8. Ảnh: Quang Hải

Lần cuối cùng đại tá Võ Văn Minh gặp Kostas Nguyễn Văn Lập là năm 2013 khi ông Lập được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân Việt Nam.   

“Tôi còn nhớ ông Lập nói rằng: Tôi có hai tên. Tên Bộ đội Liên khu 5 là Nguyễn Văn Lập cho nên tôi chết cũng ở Liên khu 5 thôi” - đại tá Võ Văn Minh kể thêm.

Yên nghỉ ở quê hương thứ hai, đất mẹ Việt Nam

Sáng 2/8, tại nhà tang lễ Quân khu 5 (TP Đà Nẵng), lễ viếng, lễ truy điệu, lễ di quan và đưa tang Anh hùng LLVT Nhân dân Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập đã được tổ chức trọng thể trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng đội và gia đình. Ông về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Quân khu 5 (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng).

Trước đó, vào tối 1/8, tro cốt của Anh hùng Kostas Nguyễn Văn Lập được đưa từ Hy Lạp về đến sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Tro cốt của Anh hùng Kostas Nguyễn Văn Lập được đưa từ Hy Lạp về đến sân bay quốc tế Đà Nẵng vào tối 1/8. Ảnh: Quang Hải
Tro cốt của Anh hùng Kostas Nguyễn Văn Lập được đưa từ Hy Lạp về đến sân bay quốc tế Đà Nẵng vào tối 1/8. Ảnh: Quang Hải

Bà Foteini Sarantida (tên Việt Nam Nguyễn Thị Bạch Tuyết), con gái thứ hai của Anh hùng LLVT Nhân dân Kostas Nguyễn Văn Lập cho biết: “Trong phòng của bố tôi luôn có một tấm vải xanh với câu thêu bằng chữ vàng: Thây tôi về Hy Lạp, linh hồn tôi ở lại Việt Nam. Hôm nay, như cánh chim Lạc, bố tôi đã trở về quê hương thứ hai của mình, quê hương của chúng ta, đất mẹ Việt Nam”.

Bà Foteini Sarantida chia sẻ thêm: “Với phẩm giá và nỗ lực những năm tháng của cuộc đời ông trong việc tạo ra một nhịp cầu hữu nghị giữa hai quê hương, tâm hồn ông sẽ hạnh phúc khi được dạo chơi trên mảnh đất nơi ông đã sống và cống hiến. Ông sẽ trò chuyện với những người bạn năm xưa và những người đã hy sinh vì Tổ quốc…”.

Anh hùng LLVT Nhân dân Kostas Nguyễn Văn Lập an nghỉ tại quê hương thứ hai, đất Mẹ Việt Nam. Ảnh: Quang Hải
Anh hùng LLVT Nhân dân Kostas Nguyễn Văn Lập an nghỉ tại quê hương thứ hai, đất Mẹ Việt Nam. Ảnh: Quang Hải

Trong điếu văn truy điệu Anh hùng LLVT Nhân dân Kostas Nguyễn Văn Lập, Thiếu tướng Trương Thiên Tô - Phó Chính ủy Quân khu 5 nhắc nhớ: “Người chiến sĩ cộng sản, anh “Bộ đội Cụ Hồ” Kostas Nguyễn Văn Lập đã sống một cuộc đời vẻ vang, trở thành tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì công lý, vì hòa bình, độc lập, tự do, vì chính nghĩa và tinh thần quốc tế vô sản cao đẹp. Anh hùng LLVT Nhân dân Kostas Nguyễn Văn Lập sẽ luôn sống mãi trong lòng Nhân dân Việt Nam”.

 

Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập sinh năm 1927 tại Athens, Hy Lạp. Năm 16 tuổi, ông bị bắt đi lính để đưa sang Đức phục vụ cho chế độ phát-xít Hitler. Đến Nam Tư, ông trốn thoát, sống vật vờ trên những chuyến tàu ngược xuôi dọc biên giới Nam Tư - Hy Lạp.

Sau Thế chiến II, ông không thể trở về Hy Lạp vì không có giấy tờ tùy thân. Sau đó, ông bị tham gia vào đội quân lê dương của Pháp và được điều tới Đông Dương để tham gia cuộc chiến chống phát-xít Nhật.

Tuy nhiên, ngay khi tới Sài Gòn năm 1946, được tận mắt chứng kiến những hành động tàn phá, giết chóc của quân đội xâm lược đối với những người dân Việt Nam vô tội, nhận thức được rõ bản chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, ông đã quyết định đi theo Mặt trận Việt Minh và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của các chiến sĩ Việt Minh, trở thành anh Bộ đội Cụ Hồ.

Trong thời gian tham gia Mặt trận Việt Minh, ông luôn được đơn vị và cấp trên tin tưởng giao cho nhiều trọng trách và ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập được nhiều chiến công.

Ngày 9/11/2010, ông Kostas Sarantidis được Chủ tịch nước ký quyết định công nhận là công dân Việt Nam. Tháng 5/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân Việt Nam cho ông Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập. Ông là người nước ngoài duy nhất được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Ông từ trần ngày 24/6/2021, tại nhà riêng, số 34008, Eretria, Evoia, Hy Lạp. Thể theo ý nguyện của ông, Chính phủ Việt Nam phối hợp cùng Chính phủ Hy Lạp và gia đình tổ chức chuyển tro cốt ông về Việt Nam an táng.