Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá vàng và câu chuyện bình ổn

Kỳ 3: “Nghịch lý” đấu giá vàng

Theo Ngọc Dung/PL&XH
Chia sẻ Zalo

Các chuyên gia cho rằng, tâm lý mua gom vàng của người dân trong thời gian qua, cũng như các câu chuyện vui - buồn trong chuyện giá vàng tăng cao là tất yếu. Bởi lẽ, khi giá vàng biến động, nền kinh tế, DN là những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp.

>>> Kỳ 1: khi câu chuyện xoay quanh chỉ là… vàng
>>> Kỳ 2: người dân khóc ròng vì giấc mơ “vàng”
Mặt hàng vàng trang sức tại một cửa hàng vàng tại đường Cầu Giấy. Ảnh: Khánh Huy  
Mặt hàng vàng trang sức tại một cửa hàng vàng tại đường Cầu Giấy. Ảnh: Khánh Huy  

Những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp

Theo các chuyên gia, biến động giá vàng có thể tác động đến tỷ giá hối đoái, khiến cho hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn. Điều đó nhìn thấy rất rõ, khi giá vàng tăng cao, giá USD có thể tăng theo, khiến cho DN xuất khẩu chịu thiệt hại do giá bán sản phẩm bằng USD giảm.

Khi giá vàng tăng cao, giá cả các mặt hàng khác cũng có xu hướng tăng theo, dẫn đến lạm phát. Lạm phát cao ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua của người tiêu dùng, tăng chi phí sinh hoạt, cản trở tăng trưởng kinh tế. Biến động giá vàng cũng ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước do thuế thu được từ hoạt động kinh doanh vàng.

Đặc biệt, biến động giá vàng khiến người dân lo lắng, hoang mang, dẫn đến tâm lý găm giữ vàng, hạn chế chi tiêu cho các mặt hàng khác. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua của người tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Biến động giá vàng khiến cho việc đầu tư vàng trở nên rủi ro hơn, nhà đầu tư có thể thua lỗ nếu đầu tư không đúng thời điểm.

Lấy ví dụ điển hình vào năm 2011, giá vàng thế giới tăng mạnh lên mức kỷ lục do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, giá vàng SJC cũng tăng cao, khiến cho nhiều người dân lo lắng và đổ xô đi mua vàng.

Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt vàng trên thị trường và giá vàng tiếp tục tăng cao. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá vàng thế giới tăng mạnh. Tại Việt Nam, giá vàng SJC cũng tăng cao, khiến cho nhiều người dân lo lắng và đầu tư vào vàng. Tuy nhiên, sau đó giá vàng giảm mạnh, khiến cho nhiều người, nhiều nhà thua lỗ.

Ngoài ra, việc giá vàng biến động còn ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Theo tập quán truyền thống từ lâu đời, người dân Việt Nam có thói quen sử dụng vàng để định giá nhà đất hoặc bất động sản. Dù hiện nay, việc rao bán nhà đất bằng tiền đồng thay cho vàng có tăng lên, nhưng đó chỉ là hình thức.

Bởi xét về bản chất, người bán nhà hay bất động sản thường quy đổi ra tiền đồng theo giá vàng hiện hành. Giá vàng tăng, dẫn đến giá trị nhà đất, bất động sản tăng theo. Việc giá nhà đất tăng ảnh hưởng trực tiếp đến người dân là điều nhìn thấy rất rõ trong thời gian qua.

Cũng xác nhận những vấn đề trên, khi trả lời vấn đề cử tri mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giá vàng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.

Thực tế khi lượng tiền lớn trong dân bị hút vào việc mua vàng thì nguồn vốn tập trung vào sản xuất, kinh doanh sẽ bị khan hiếm, đẩy lãi suất lên cao, từ đó dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng.

Tình trạng buôn lậu vàng sẽ sử dụng đồng đô la, từ đó đồng đô la tăng lên... dẫn đến lạm phát và chảy máu ngoại tệ.

Vàng miếng của PNJ cũng là mặt hàng hút khách. Ảnh: Khánh Huy  
Vàng miếng của PNJ cũng là mặt hàng hút khách. Ảnh: Khánh Huy  

“Nghịch lý” đấu giá vàng

Còn nhớ cuối năm 2023, ngày 28/12 lần đầu tiên Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có biện pháp để "hạ nhiệt" giá vàng miếng SJC sau thời gian dài mặt hàng này chênh cao 18-20 triệu đồng một lượng với thế giới.

Theo Công điện 1426, trong thời gian vừa qua, thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.

Do đó, để ổn định và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN Việt Nam theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng.

Sau khi có chỉ đạo, thị trường ngay lập tức phản ứng, nhiều người dân mang vàng miếng đi bán. Giá vàng miếng quay đầu đi xuống trong ngày. Sau thời điểm này, Chính phủ liên tục phát ra các thông điệp nhắc nhở NHNN có biện pháp kiểm soát giá vàng miếng. Tâm lý "sợ rủi ro chính sách" khiến một bộ phận người dân chuyển dịch qua mua vàng nhẫn trơn.

Đến năm nay, trước sức ép của Chính phủ, tháng 4/2024, lần đầu tiên sau nhiều năm NHNN tổ chức đấu giá vàng miếng, nhằm mong ổn định giá cả, thu hẹp chênh lệch với giá vàng quốc tế.

Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng của NHNN, sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng luôn có xu hướng tăng lên.

Cụ thể, sáng ngày 23/4, NHNN thông báo kết quả đấu thầu vàng miếng. Có 2 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 34 lô, tương đương 3,400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất là 81.33 triệu đồng/lượng và thấp nhất là 81.32 triệu đồng/lượng. Hai tổ chức trúng thầu là Công ty SJC và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Đến sáng 24/4/2024, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 81,8-83,8 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 800,000 đồng ở chiều mua và 500,000 đồng chiều bán so với giá đóng cửa hôm 23/4. Giá vàng nhẫn được niêm yết ở mức 73-74,8 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 100,000 đồng mỗi chiều.

Và ngày 8/5, phiên thứ 2 đấu thầu thành công, ngày 10/5 giá vàng đã tăng vọt lên hơn 92 triệu đồng/lượng. Tiếp tục phiên đấu giá ngày 14/5, cũng ghi nhận mức giá tăng thêm 1,3 triệu đồng/lượng so với phiên trước đó…

(Còn nữa)