Kỳ 4: Khơi thông nguồn lực đất đai để đất nước “vươn mình” - Ảnh 1

“Khơi thông nguồn lực đất đai” là chủ trương lớn, mang tính “đột phá” của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm về việc hoàn thiện thể chế, phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên “vươn mình” của dân tộc.

Vậy làm sao để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, hạn chế lãng phí, tham nhũng; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện hiệu quả đầu tư và đảm bảo phát triển bền vững? KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam đã có những chia sẻ tâm huyết về vấn đề này.

Kỳ 4: Khơi thông nguồn lực đất đai để đất nước “vươn mình” - Ảnh 2

Thưa ông, ông có đánh giá thế nào về chủ trương chống tham nhũng, lãng phí của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm để tạo động lực trong kỷ nguyên “vươn mình” của dân tộc?

- Chủ trương chống lãng phí của Đảng, Bác Hồ đã đặt ra từ lâu rồi, vì lãng phí còn nguy hiểm hơn tham nhũng; tham nhũng chỉ là một số người thôi còn lãng phí nó có thể lan ra toàn xã hội. Hiện nay, Tổng Bí thư Tô Lâm đang tiếp tục triển khai một cách quyết liệt hơn ở mọi ngành, lĩnh vực trong đó tập trung xử lý vấn đề lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, quy hoạch, thực hiện các dự án... bởi những cái này có tác động rất lớn đến xã hội, nó không chỉ dừng lại ở câu chuyện tiền bạc mà còn kéo theo đó là câu chuyện về an sinh xã hội, vận mệnh phát triển của đất nước.

Kỳ 4: Khơi thông nguồn lực đất đai để đất nước “vươn mình” - Ảnh 3

Tôi lấy ví dụ, có những dự án rộng hàng trăm, hàng nghìn héc ta nằm “đắp chiếu” từ 10 – 20 năm, đáng nói là những dự án chủ yếu nằm ở khu vực nông thôn, hàng nghìn hộ gia đình bị mất công cụ sản xuất, không có việc làm dẫn đến làn sóng di cư vào TP ngày càng lớn, vô hình trung đã đẩy dân số đô thị tăng lên, phá vỡ cấu trúc đô thị, gây áp lực lên hạ tầng, nhà ở, môi trường, an ninh trật tự...

Mỗi địa phương có một vài dự án, dẫn đến việc cả nước có hàng trăm dự án, nên lãng phí đất đai rất lớn, chưa kể vấn đề có những dự án đã xây dựng lên rồi nhưng không được đưa vào sử dụng, ví dụ như những dự án nhà tái định cư, nhà ở xã hội, nhà ở sinh viên ở đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Thậm chí có một số địa phương đã xây dựng rồi, không đưa vào sử dụng và lại đang có ý định phá đi để chuyển đổi đất làm việc khác, chỉ vì trước đó khi người ta “vẽ” dự án vào đấy mà không tính đến việc người dân sẽ đến đó sinh sống thế nào, đó là vấn đề lãng phí vô cùng lớn.

Kỳ 4: Khơi thông nguồn lực đất đai để đất nước “vươn mình” - Ảnh 4

Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?

- Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận một cách khách quan đó là những người làm quy hoạch thiếu một tầm nhìn dài hạn, thiếu một quy trình điều tra xã hội học cẩn thận. Trước khi quy hoạch một dự án phải đi điều tra xem nhu cầu của Nhân dân như thế nào, quy hoạch đó phục vụ cho ai? Vì có những thời kỳ các dự án được “vẽ” lên để phục vụ cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư khi những người này không hề có tiền để làm, nhưng dựa vào những mối quan hệ “thân thiết” vẫn được nhận dự án, rồi ngay lập tức đi thế chấp ngân hàng để “lấy tiền sống”. Sau đó là “biến mất” hoặc viện một lý do nào đó kéo dài thời gian triển khai, xây dựng.

Kỳ 4: Khơi thông nguồn lực đất đai để đất nước “vươn mình” - Ảnh 5

Thứ hai, là do năng lực của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo tại cơ quan quản lý Nhà nước trong việc triển khai thực hiện dự án, xử lý ngân sách. Tôi lấy ví dụ về câu chuyện đầu tư, cải tạo hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, viễn thông tại các đô thị, ngay từ thời điểm bắt tay vào triển khai các bên không cùng ngồi lại với nhau, dẫn đến việc cấp nước, cấp điện, làm đường mỗi người làm một đằng; đường giao thông vừa làm xong, lại đào lên làm điện, nước... sau đó mất thêm kinh phí chắp vá, nhưng nhanh chóng hư hỏng lại mất tiền cải tạo, đây cũng chính là lãng phí vô cùng lớn.

Tại sao không có kế hoạch thực hiện, phân bổ ngân sách ngay từ đầu để các bên cùng bắt tay triển khai, trong khi vấn đề này không phải là khó?! Và đây cũng chính là lý do hiện nay Tổng Bí thư Tô Lâm đang thực hiện một cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, sắp xếp các đơn vị hành chính, cơ quan chuyên môn liên quan đến nhau được hợp thành một đầu mối, để thống nhất trong quá trình triển khai, thực hiện dự án. Qua đó, chúng ta càng thấy chủ trương của Đảng, Bộ Chính trị; tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư là hoàn toàn đúng đắn, đây không phải đổi mới nữa mà là cuộc cách mạng, đã là cách mạng phải có “hi sinh” về quyền lợi cá nhân, những cán bộ công chức, doanh nghiệp yếu kém và lấy Nhân dân làm chủ thể.

Kỳ 4: Khơi thông nguồn lực đất đai để đất nước “vươn mình” - Ảnh 6

Thứ ba, là cơ chế xin – cho, dẫn đến việc hàng trăm dự án thi nhau mọc lên nhưng không triển khai thực hiện, chủ đầu tư chỉ lợi dụng việc được cấp dự án để đi thế chấp, vay tiền ngân hàng sử dụng vào mục đích khác, mà không khai thác giá trị thặng dư của mảnh đất đó. Hay như việc có những khu đô thị, khu biệt thự trị giá hàng chục triệu đô la Mỹ sau khi xây dựng nhưng không có ai đến ở, mặc dù hầu hết đều đã có chủ sở hữu, nhưng đây chỉ là hình thức rửa tiền, tiền không được sử dụng vào để phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo ra những giá trị khác cho xã hội như giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân lao động...

Kỳ 4: Khơi thông nguồn lực đất đai để đất nước “vươn mình” - Ảnh 7

Vậy giải pháp để xử lý triệt để vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Chúng ta phải nhìn nhận một cách thực tế là vấn nạn lãng phí này nó để lại rất nhiều hệ lụy cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đó là: gây lãng phí nguồn lực đất đai, mà đất đai là tư liệu sản xuất chính của tất cả các ngành nghề; tạo điều kiện cho việc tham nhũng về chính sách phát triển; nghiêm trọng hơn là làm xói mòn niềm tin của Nhân dân đối với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Kỳ 4: Khơi thông nguồn lực đất đai để đất nước “vươn mình” - Ảnh 8

Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải quyết liệt hơn, quy trách nhiệm một cách rõ ràng hơn, trong đó là trách nhiệm của người đứng đầu, bỏ tư duy nhiệm kỳ hay “hạ cánh” an toàn, đây cũng chính là chỉ đạo Tổng Bí thư Tô Lâm. Những người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về việc ký duyệt dự án, khi một dự án được ký duyệt nó phải phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích Nhân dân, nếu dự án đó xảy ra tình trạng bỏ hoang, chậm triển khai thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Trước đây, khi công tác chống lãng phí chưa được thực hiện quyết liệt như bây giờ, chúng ta hay có tình trạng điều chỉnh quy hoạch một cách tràn lan. Lấy ví dụ một dự án chung cư ban đầu được phê duyệt 20 tầng, nhưng sau một thời gian lại được điều chỉnh thành 30 tầng, mà không phải tự nhiên doanh nghiệp được điều chỉnh như vậy đâu, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến tham nhũng, xin – cho và lợi ích nhóm... Khi có chế tài về trách nhiệm đối với người đứng đầu, cả hệ thống sẽ phải bắt tay vào thực hiện và thống nhất theo tinh thần chỉ đạo từ trên xuống dưới, theo đúng quy định pháp luật.

Kỳ 4: Khơi thông nguồn lực đất đai để đất nước “vươn mình” - Ảnh 9

Còn đối với các doanh nghiệp, chủ đầu tư được cấp đất, cấp dự án nhưng bỏ hoang không đưa vào triển khai thực hiện cũng cần phải thực hiện chế tài thật nghiêm. Hiện nay, Luật Đất đai sửa đổi đã có quy định rõ ràng về việc thu hồi dự án, nên cứ đúng quy trình để thực hiện. Tôi đề nghị, chúng ta sớm hoàn thành dự án luật về thuế bất động sản để đánh thuế trong thời gian đất đai bị bỏ hoang và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về việc này.

Nhưng theo tôi, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc thu hồi đất, dự án hay đánh thuế mà cần phải có quy định pháp luật về tính tiền thiệt hại của Nhà nước, người dân, yêu cầu doanh nghiệp bồi thường, dùng tiền đó trả lại cho Nhà nước, người dân để làm việc khác. Thời gian gần đây rất nhiều doanh nghiệp bị truy tố hình sự về những sai phạm trong hoạt động kinh doanh, nên thời gian tới chúng ta cũng phải truy tố hình sự cả những doanh nghiệp gây lãng phí đất đai, chứ không chỉ dừng lại ở việc thu hồi dự án, bồi thường thiệt hại bằng tiền.

Tóm lại là cuộc cách mạng chống lãng phí không dễ dàng để thực hiện, nhưng chúng ta vẫn phải làm, làm một cách quyết liệt, triệt để, xử lý tận gốc của vấn đề; chúng ta phải chấp nhận có sự hi sinh và để thực hiện thành công cuộc cách mạng này không chỉ dừng lại ở cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước, mà còn là sự tham gia của toàn xã hội, mỗi người dân chúng ta đều phải có trách nhiệm trong cuộc cách mạng này. Chúng ta phải tận dụng được nguồn lực, sức mạnh của đất đai tạo thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, là động lực giúp đất nước “bay cao” hơn nữa, để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Xin cảm ơn ông!

(Còn nữa)

Kỳ 4: Khơi thông nguồn lực đất đai để đất nước “vươn mình” - Ảnh 10

09:29 29/12/2024