Được khởi công xây dựng từ năm 1569, chùa Dơi còn gọi là chùa Mã Tộc hay chùa Mahatup là di tích nghệ thuật cấp quốc gia với hàng ngàn bảo vật quý gồm tượng Phật và bộ tứ linh Long Ly Quy Phượng đều được nặn bằng đất sét. Chùa gồm 3 công trình kiến trúc chính là chính điện, Sala và nhà thờ cố lục cả Thạch Chia, người có công trong việc trùng tu lại ngôi chùa.
Cổng chùa Dơi có kiến trúc trang trí các họa tiết hoa văn hình cánh sen và hoa cà ri cách điệu. Bước vào khuôn viên chùa Dơi, không gian được mở ra là cả một cánh rừng với đủ loại cây, song nhiều nhất vẫn là cây sao và cây dầu. Trước tiên, du khách sẽ được khám phá nét kiến trúc của ngôi chùa Dơi cổ kính thể hiện ở điêu khắc Ăngkor với nhiều phù điêu và hoa văn trên làng loạt cột đài nơi chính điện.
|
Tượng tiên nữ Kemnar chắp tay trước ngực. |
Đầu tiên là nụ cười huyền bí của những bức tượng tiên nữ Kemnar chắp tay trước ngực, dọc hành lang. Bên trong chính điện là vô số pho tượng lớn nhỏ, lớn nhất là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đá nguyên khối cao 1,5m, được sơn son thếp vàng đặt trang trọng trên một tòa sen cao 2m. Phía trên, mái chánh điện có kết cấu đặc biệt với 4 hệ thống mái chồng lên nhau. Riêng mỗi mái đều được trang trí tượng hình rồng ở các góc, đầu có sừng uốn lượn, mảnh mai, thân rồng theo mô típ của loài cá Poon-co, nên không có chân, trên còn đeo những đao mác nhọn. Một phần mái tiếp giáp với cột trang trí hình tượng chim Cay-no, ưỡn ngực đỡ lấy mái chùa, cong vút, vẽ lên nền trời xanh một đường cong kỳ ảo, như thỉnh gọi đức Phật ban phước cho con người và vạn vật.
|
Trang trí tường bên trong chính điện chùa Dơi. |
Đối diện là nhà Sala, nơi sinh hoạt cộng đồng, hội họp, làm lễ cúng cơm, tiếp khách và cũng là nơi nghỉ ngơi của các sư sãi, du khách. Bên cạnh là miếu Bà Đen - nơi được người dân ở đây xem là rất linh thiêng vì những điều cầu khấn thường hay ứng nghiệm. Du khách đến chùa Dơi, ngoài vãn cảnh còn được dâng hương ở miếu Bà Đen. Vì vậy dịp lễ, tết, mồng một, ngày rằm nhà chùa luôn tấp nập khách thập phương tới vãn cảnh, cầu nguyện. Ngoài dâng hương miếu Bà Đen, du khách còn được thưởng thức những giai điệu ngũ âm truyền thống của dân tộc Khơme.
Khu vườn phía sau chùa thu hút rất đông khách thập phương. Khu vườn rộng với đủ loại cây xanh lâu năm cao chót vót, nhiều nhất vẫn là cây sao và dầu, là nơi trú ngụ tự nhiên của đàn dơi từ hàng trăm năm nay. Khi đến đây, ai nấy đều ngạc nhiên với những chú dơi to, đậu vắt vẻo trên cành cây. Đàn dơi trú ngụ ở chùa thuộc dòng quý hiếm có tên gọi dơi ngựa. Con mới đẻ sải cánh dài 0,5m, dơi trưởng thành sải cánh dài 1m, con đầu đàn sải cánh dài 1,5m và nặng gần 1kg.
|
Những chú dơi trong chùa. |
Phía sau chùa, có những ngôi mộ kỳ lạ, trên mỗi mộ có vẽ hình 1 con lợn. Ngôi mộ đầu tiên được dựng lên cho con lợn 5 móng (lợn thường chỉ có 3 móng) chết vào năm 1996. Những con lợn 5 móng được các nhà sư nuôi trong chùa như những vật nuôi trong nhà và khi chết, chúng sẽ được chôn tại đây. Hiện chùa vẫn còn nuôi 4-5 con lợn 5 móng.
Là quần thể kiến trúc đẹp, có giá trị thẩm mỹ cao, ngoài việc thoả mãn nhu cầu sinh hoạt của đời sống tâm linh, chùa Dơi còn có chức năng hướng người dân tham gia sinh hoạt tôn giáo đến chân - thiện - mỹ, làm điều hay lẽ phải, làm việc thiện, tích phúc cho đời. Chùa Dơi là một minh chứng về Phật giáo Nam tông trong xã hội Khmer hiện nay không phải là tôn giáo thoát tục, lánh xa cuộc đời mà hoà nhập vào cuộc sống đời thường với phương châm “tốt đạo, đẹp đời”.
Dưới đây là một số hình ảnh chùa Dơi:
|
Tượng phật bên trong chùa Dơi. |
|
Nhà thờ cố lục cả Thạch Chia, người có công trong việc trùng tu lại ngôi chùa. |
|
Cây cối trong chùa quanh năm tươi tốt. |
|
Nhà Sala, nơi sinh hoạt cộng đồng, hội họp, làm lễ cúng cơm, tiếp khách và cũng là nơi nghỉ ngơi của các sư sãi, du khách. |
|
Trong chùa có nhiều bảo tháp (stupa) chứa di hài các nhà sư quá cố. |
|
Những chú dơi treo lủng lẳng trên cành cây. |
|
Chùa Dơi là ngôi chùa duy nhất thờ Phật Thích Ca của cộng đồng dân tộc Khmer Nam Bộ tại tỉnh Sóc Trăng. |
|
Mộ lợn 5 móng ở chùa Dơi. |