Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ký cam kết tiêm vaccine Covid-19: Nâng cao trách nhiệm trong phòng chống dịch

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tiêm vaccine Covid-19 là yêu cầu của phòng chống dịch. Do đó, mỗi người dân cần tiêm đúng lịch, đúng liều. Việc ký cam kết nhằm nâng cao trách nhiệm của hai bên trong thực hiện yêu cầu phòng, chống dịch.

Liên quan đến việc một số địa phương yêu cầu người dân nếu không đồng ý tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 phải ký cam kết, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết việc tiêm vaccine là yêu cầu của phòng, chống dịch. Do đó, mỗi người dân cần tiêm đúng lịch, đúng liều.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khẳng định vaccine là chiến lược trong giai đoạn bình thường mới và giai đoạn tiếp theo, đặc biệt khi xuất hiện biến thể mới.

"Chúng ta biết ký cam kết là cam kết giữa hai bên trong việc thực hiện trách nhiệm của mình, thể hiện đặt vai trò cao hơn nữa. Việc ký cam kết nêu rõ trách nhiệm giữa các bên là cần thiết, đặc biệt là giữa chính quyền và người dân để rõ hơn các hoạt động của mình. Nguyên tắc để thực hiện với cam kết là để nâng trách nhiệm của hai bên trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Đối với một vấn đề được quan tâm như vaccine thì việc ký cam kết nhằm nâng cao trách nhiệm của hai bên trong thực hiện yêu cầu phòng, chống dịch” - GS.TS Phan Trọng Lân cho hay.

GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết việc tiêm vaccine là yêu cầu của phòng, chống dịch.
GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết việc tiêm vaccine là yêu cầu của phòng, chống dịch.

Với biến thể phụ mới của Omciron, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, vaccine vẫn có hiệu quả ứng phó với biến thể mới. Virus SARS-CoV-2 luôn tiến hóa, thậm chí tiến hóa khôn lường. Thế giới đánh giá sự tiến hóa của virus trên 5 yếu tố: Sự lây lan, độ nặng, tăng sức chịu đựng lên đối với vaccine, giảm hiệu quả điều trị, chẩn đoán.

"Theo dõi 2 năm qua, chúng ta thấy nhiều lúc virus SARS-CoV-2 tiến hóa khôn lường. Từ chủng gốc bình thường, một đại dịch sẽ đi theo hướng tăng dần miễn dịch (miễn dịch do vaccine và do mắc phải) thì giảm dần xu thế của dịch, cuối cùng biến mất hoặc trở thành dịch lưu hành. Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 tiến hóa khó lường" - GS.TS Phan Trọng Lân chia sẻ.

Dẫn chứng điều này, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết Việt Nam đã trải qua các đợt dịch với các biến thể khác nhau, thậm chí biến thể Omicron có đến 5 biến thể phụ (trong đó biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn BA.1, BA.2). Tuy nhiên, một điều chúng ta thấy qua các biến thể vừa rồi là vaccine có khác nhau trong đáp ứng với các biến thể, hiệu lực bảo vệ khác nhau nhưng nhìn chung vẫn giảm nhập viện nặng, giảm tử vong.

“Thông điệp WHO rất rõ, nơi nào chưa an toàn có nghĩa là vùng chưa tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và có nguy cơ kết hợp trở thành biến thể mới. Một điều chúng ta thấy vaccine khác nhau giữa đáp ứng với các biến thể nhưng vaccine làm giảm ca mắc Covid-19 nặng, tử vong" - GS.TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.

 

Hiện nay, nhiều người dân khi đã tiêm xong liều cơ bản, sau đó mắc Covid-19 có sự chủ quan không tiêm mũi nhắc lại. Tuy nhiên, kháng thể sau mắc Covid-19 sẽ không bền vững cho nên vẫn cần phải tiêm mũi nhắc lại 3 và 4. Covid-19 hiện vẫn còn là bệnh hiện hữu. Chúng tôi khuyến khích người dân đi tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4. Việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vaccine phòng Covid-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do Covid-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn 3309/BYT-DP ngày 23/6/2022 về việc tiêm nhắc mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và cho trẻ từ 12-17 tuổi (tiêm nhắc mũi 3). Hiện nay đã có nhiều quốc gia trên thế giới triển khai lịch tiêm nhắc vaccne phòng Covid-19 cho người lớn và trẻ vị thành niên.

PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương