Giới sưu tầm và chơi đồng hồ cổ ở Hà Nội khá âm thầm, không lộ liễu. Lý do vì đồng hồ được gìn giữ trong nhà chứ không trưng bày như cây cảnh. Song với giới chơi đồng hồ cổ, ai cũng biết đến ông Đào Văn Dư - người công tác trong Tổ đồng hồ, ngoài công việc kỹ thuật của bưu điện, ông còn có nhiệm vụ sửa chữa, quản lý những chiếc đồng hồ công cộng, trong đó có chiếc đồng hồ lớn ở 75 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) ngày nay. Hay như Nguyễn Trung Dũng, Nguyễn Trung Nghĩa, Đức Minh, Trần Việt Hà, Đàm Văn Đạt…, đều là những “tay chơi” có tiếng.
Ông Đào Văn Dư cho hay: “Đồng hồ có nhiều loại với những tiếng chuông khác nhau, nhưng đều là tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Đồng thời, qua chiếc đồng hồ muốn nhắc nhở mọi người thời gian là vàng bạc, nhưng nó chẳng chờ đợi ai cả, nên cần trân trọng thời gian, trân trọng những giây phút bình yên trong cuộc đời”.
Đa số người sưu tầm cho rằng, họ đam mê với một thú chơi văn hóa. Vì thế nhiều người đã cất công đi khắp nơi tìm kiếm, để đến nay tư gia của họ trở thành thế giới đồng hồ với những “nàng ca sĩ” kiểu dáng đẹp mà chiếc chuông cũng độc đáo. Để có được kinh nghiệm chỉ nhìn qua bên ngoài cũng đã biết chủng loại, năm sản xuất, âm thanh… người sưu tầm đồng hồ phải trả giá bằng nhiều lần “ăn quả lừa”. Thực tế, không phải ai có tiền cũng có thể chơi và biết chơi đồng hồ, nhưng ai đã biết thì đều nghiện. Cái khó nhất của người chơi là phải nghe được âm thanh, cảm nhận được cái hay của nó. Thêm nữa, bộ gông là linh hồn của chiếc đồng hồ, nếu không có kiến thức phân biệt thì rất dễ bị hớ, mua phải đồ dởm mà không biết.
Vì sao đồng hồ lại giá trị và thu hút đến thế? Câu trả lời là, để có chiếc đồng hồ giá trị phải mất nhiều công đoạn, gồm sự kết hợp tài năng của kỹ sư máy, người thợ mộc, người đúc đồng, bác thợ đá... Hầu hết được làm thủ công nhưng tất cả các chi tiết đều chính xác, như được lập trình trên máy tính. Ngay cả những chiếc bánh răng, dù phải vận hành trong hàng chục thế kỷ, nhưng độ chính xác vẫn cao, rất ít bị ăn mòn.
Thức đêm nghe đồng hồ hátVới người chơi đồng hồ, họ có quan điểm chỉ mua chứ không bán và trong bộ sưu tập của họ có vài trăm chiếc, nhiều chiếc trị giá hàng trăm triệu đồng. Đáng nể nhất là chủ quán cà phê Junghans trên phố Hòa Mã sở hữu bộ sưu tập “khủng” với gần 800 chiếc, nhiều nhất là đồng hồ treo tường, để bàn bằng gỗ sồi. Là người cá tính, khá cầu toàn nên chủ quán cà phê này nói chỉ xuất hiện trên báo khi có đủ 1.200 chiếc. Đồng hồ đẹp luôn thôi thúc những người sưu tầm trẻ lên đường, và trong những chuyến săn tìm khắp nơi đó, đôi khi họ cũng gặp thất bại. Có người sưu tầm nhiều chủng loại, nhưng có người lại chơi hai dòng chính là Odo của Pháp, Cuckoo của Đức, được chế tạo thủ công bằng tay, với tuổi đời hàng trăm năm. Hai hãng này có ảnh hưởng rất lớn đến giới chơi đồng hồ ở Việt Nam. Nước Pháp nổi tiếng với các loại đồng hồ tủ, có thể ngân những bản nhạc Coucou valse, Westmintern. Sau đó người chơi cũng tìm đến các loại chất liệu mặt bằng đồng, sứ, đá, bộ hai chân nến… để bàn. Còn ở Đức, hãng Junghans rất nổi tiếng với các loại đồng hồ treo tường, rất có hồn, vỏ gỗ được chạm khắc tinh xảo.
Cái thú của người chơi là cảm thụ tốt âm nhạc, phân biệt được âm thanh của từng loại, thậm chí có người không nhìn nhưng “đọc” được nó thuộc loại gì. Theo những người sành chơi, nghe âm thanh đồng hồ tốt nhất là khoảng 12 giờ đêm. Lúc này, không gian tĩnh mịch, tiếng đồng hồ ngân lên trong trẻo, như những cô ca sĩ. Có chiếc trầm như tiếng chuông chùa, có chiếc rền như trống, chiếc khác vang như chuông nhà thờ, bởi thế nhiều người đã trở dậy vào ban đêm để được nghe thế giới đồng hồ hát.
Theo những người chơi lâu năm, bộ gông nhạc là linh hồn của chiếc đồng hồ. Và đồng hồ Odo 36.10 (sản xuất năm 1936, 10 gông) là loại quý nhất, ngân được bản Westmintern nên người sưu tầm nào cũng muốn sở hữu. Một chiếc đồng hồ như vậy có giá bình thường 60 triệu đồng. Và nếu cả 10 gông phát nhạc đều còn “zin”, không chiếc nào bị thay hay phục chế, mặt kính chắn nguyên bản, hộp gỗ nguyên bản có thể giá cao gấp ba lần. Đồng hồ loại này còn quý hơn, nếu nó còn nguyên giấy tờ mua bán bằng chữ quốc ngữ hay chữ Pháp. Anh Đàm Văn Đạt, một người sưu tầm gần 20 năm, có “bản doanh” trao đổi, giao lưu tại 95C Lò Đúc (Hà Nội) cho biết: “Có những chiếc đồng hồ giá vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng, nhưng giới chơi vẫn “khoái” Odo 36 vì cái hay, cái đẹp của nó. Có người chơi chất lượng, một chiếc giá bằng mười chiếc khác. Lại có người chơi trọng về hình thức bắt mắt. Nếu đã chơi thì không thể tiếc công vì phải thường xuyên “chăm sóc” cho nó, hàng tuần lên dây cót cho hàng trăm chiếc đồng hồ cũng đủ thấy người chơi kỳ công thế nào”.