Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ký hợp đồng tư vấn kỹ thuật cảng biển nước sâu Nam Du

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dự án Cảng biển nước sâu Nam Du có vốn đầu tư dự kiến khoảng 800 triệu USD được chia thành hai giai đoạn.

KTĐT - Dự án Cảng biển nước sâu Nam Du có vốn đầu tư dự kiến khoảng 800 triệu USD được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn một từ năm 2010-2013, với công suất thông qua là 12 triệu tấn than/năm và năm triệu tấn hàng tổng hợp/năm. Giai đoạn hai từ năm 2014-2020, các thông số trên sẽ là 50 triệu tấn than/năm và 12 triệu tấn hàng tổng hợp/năm.

Tập đoàn Tân Tạo và Công ty Royal Haskoning Việt Nam (RHV) đã ký hợp đồng tư vấn kỹ thuật cho dự án Cảng biển nước sâu Nam Du, vào ngày 10/7 tại Hà Nội.

Quần đảo Nam Du thuộc tỉnh Kiên Giang chỉ cách Trung tâm Điện lực Kiên Lương khoảng 60km có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc xây dựng cảng biển nước sâu.

Cảng biển này đảm nhận vai trò vận chuyển than cho Trung tâm Điện lực Kiên Lương và các nhà máy điện đang được đầu tư xây dựng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án Cảng biển nước sâu Nam Du có vốn đầu tư dự kiến khoảng 800 triệu USD được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn một từ năm 2010-2013, với công suất thông qua là 12 triệu tấn than/năm và năm triệu tấn hàng tổng hợp/năm. Giai đoạn hai từ năm 2014-2020, các thông số trên sẽ là 50 triệu tấn than/năm và 12 triệu tấn hàng tổng hợp/năm.

Công ty RHV thuộc Royal Haskoning (RH) là tập đoàn tư vấn kỹ thuật độc lập hàng đầu được thành lập tại Hà Lan vào năm 1881. Có bề dầy hoạt động tại Đông Nam Á trong suốt 40 năm qua. RHV được công nhận là một trong những nhà tư vấn xuất sắc nhất tại Việt Nam, tham gia nhiều dự án xây dựng quy mô lớn.

RHV sẽ giúp chủ đầu tư xây dựng hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu cho dự án Nam Du, tối ưu hóa quy hoạch cảng, quản lý và giám sát quá trình xây dựng cho đến khi cảng đi vào vận hành ổn định.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương thuộc Trung tâm Điện lực Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, cách Thành phố Hồ Chí Minh 300km về phía Nam, đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 1/2008 với quy mô 4.400-5.200MW, được chia làm ba giai đoạn với công suất thiết kế lần lượt là 1.200 MW cho hai giai đoạn đầu và 2.000 MW cho giai đoạn sau.

Theo kế hoạch, giai đoạn một sẽ được thi công trong 39 tháng, với hai tổ máy công suất mỗi tổ 660MW. Tổ máy thứ nhất dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong cuối năm 2013 và tổ máy thứ hai trong đầu năm 2014./.