Đây là kỳ họp không thường kỳ nhằm xem xét, quyết định vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố, đồng thời tổ chức hội nghị phổ biến Luật số 47/2019/QH14 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Tại kỳ họp, HĐND thành phố xem xét, quyết nghị về việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc 11 quận, huyện (Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Tây Hồ, Hà Đông, Ứng Hòa) trên địa bàn thành phố năm 2020.
Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố...
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương, theo đề nghị của UBND Thành phố và được sự đồng ý của Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND Thành phố tổ chức Kỳ họp thứ 13 - kỳ họp không thường kỳ để xem xét và quyết nghị về việc sáp nhập, đặt tên và đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc 11 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đây là nội dung quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh, thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả; là nội dung khi triển khai liên quan đến các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền ở từng cơ sở và từng người dân. Vì vậy, Thành ủy- HĐND-UBND- Ủy ban MTTQ Thành phố đã xem xét một cách kỹ lưỡng, phù hợp với địa bàn dân cư với phương châm: thận trọng, chặt chẽ, công khai, dân chủ, đúng quy trình, quy định pháp luật; hạn chế sự xáo trộn, coi trọng việc nâng cao hiệu quả hoạt động sau sắp xếp, sáp nhập; không làm ảnh hưởng đến tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
“Với ý nghĩa quan trọng đó, tại kỳ họp này, tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu HĐND Thành phố, đặc biệt là các vị đại biểu đang công tác tại các quận, huyện, thị xã đóng góp ý kiến tâm huyết, những kinh nghiệm và phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống” - Chủ tịch HĐND nêu rõ.
Tại kỳ họp, với 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, Kỳ họp thứ 13 HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố (TDP) thuộc 11 quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội năm 2020.
Theo đó, HĐND TP quyết nghị thực hiện việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, TDP thuộc 11 quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội năm 2020, cụ thể như sau: Quận Cầu Giấy sáp nhập 142 TDP để thành lập 74 TDP mới, quận Hoàn Kiếm sáp nhập 651 TDP để thành lập 132 TDP mới, quận Long Biên sáp nhập 156 TDP để thành lập 76 TDP mới, quận Ba Đình sáp nhập 300 TDP để thành lập 136 TDP mới, quận Đống Đa sáp nhập 866 TDP để thành lập 337 TDP mới, quận Hai Bà Trưng sáp nhập 742 TDP để thành lập 242 TDP mới, quận Thanh Xuân sáp nhập 183 TDP để thành lập 82 TDP mới, quận Hoàng Mai sáp nhập 574 TDP để thành lập 223 TDP mới, quận Tây Hồ sáp nhập 293 TDP để thành lập 95 TDP mới, quận Hà Đông sáp nhập 11 TDP để thành lập 6 TDP mới, huyện Ứng Hòa sáp nhập 8 thôn để thành lập 4 thôn mới.
Cùng với đó, thực hiện đổi tên 226 TDP, gồm: Quận Ba Đình đổi tên 46 TDP, quận Cầu Giấy đổi tên 37 TDP, quận Đống Đa đổi tên 26 TDP, quận Hai Bà Trưng đổi tên 17 TDP, quận Hoàng Mai đổi tên 89 TDP, quận Tây Hồ đổi tên 11 TDP.
Sau khi Nghị quyết được thông qua, số lượng thôn, tổ dân phố mới được thành lập khi thực hiện phương án sáp nhập ở 11 quận, huyện là 1.407 thôn, tổ dân phố (4 thôn, 1.403 tổ dân phố); sau khi sáp nhập sẽ giảm 2.519 thôn, tổ dân phố.
Đợt này, có 2 quận (Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm) và 5 huyện (Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng, Mỹ Đức, Đông Anh) không đề nghị thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố.
Tại báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND TP do Phó Trưởng Ban Pháp chế Duy Hoàng Dương trình bày cũng khẳng định: Ban Pháp chế cơ bản tán thành với Tờ trình của UBND TP về sự cần thiết việc tiến hành triên khai kiện toàn thôn, TDP trên địa bàn TP Hà Nội. Trong đó nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XII) và Kế hoạch 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW vê "Một sô vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", trên cơ sở chỉ đạo của T.Ư, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kế hoạch 109-KH/TU ngày 29/11/2018 vệ tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư theo Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24/9/2013 của Ban Thường vụ Thành ủy. Đồng thời tại Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 3/12/2018 của Bộ Nội vụ đã hướng dẫn đồng thời quy định các thôn, TDP có quy mô số hộ gia đình dưới 50% mức quy định trên thì phải sáp nhập với thôn, TDP liền kề.
Tại thời điểm thống kê đến hết tháng 11/2019, toàn Thành phố có 7.968 thôn, TDP (2.510 thôn và 5.458 TDP). Tổng số thôn, TDP trong diện phải sáp nhập theo quỵ định là 4.115. Trong đó, 223 thôn (có số hộ gia đình dưới 150); 3.892 TDP (có số hộ gia đình dưới 225 ). Qua nghiên cứu khảo sát, nhiều thôn, TDP có quy mô nhỏ đã làm ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực từ cộng đồng nhân cư, xã hội hóa để thực hiện các công trình văn hóa, khu vui chơi, thể theo. Đông thời quy mô thôn, TDP nhỏ cũng ảnh hưởng đến công tác sinh hoạt đảng, tổ chức và hoạt động của các tô chức chính trị-xã hội ở thôn, TDP.
Bên cạnh đó, cùng với tiên trình phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa, việc di dân hình thành các khu đô thị mới và cả việc chia tách một số đơn vị hành chính cũng ảnh hưởng nhật định đến sự hình thành và phát triên các thôn, TDP trên địa bàn Thành phố. “Do đó, việc UBND Thành phố trình HĐND Thành phố về việc sáp nhập, đặt tên và đổi tên các thôn, TDP trên địa bàn Thành phố Hà Nội là cân thiêt, phù hợp với tình hình thực tiễn và đúng quy định pháp luật” - ông Duy Hoàng Dương khẳng định.
Giúp tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết, ĐB Dương Đức Tuấn (quận Hoàn Kiếm) khẳng định chủ trương sáp nhập tổ dân phố giúp tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả chính quyền địa phương. Quận Hoàn Kiếm có 651 tổ dân phố, với quy mô khác nhau dẫn tới hiện trạng tổ chức hội họp có nhiều khó khăn…Chính vì đặc điểm tổ dân phố phân tán nên Hoàn Kiếm mới thiết lập mô hình khu dân cư để liên kết các tổ dân phố. Vì thế khi sắp xếp các tổ dân phố sẽ phải sắp xếp lại khu dân cư.
Theo đề án, từ 651 tổ sau sáp nhập sẽ còn 132 tổ. Sau đó sẽ tiến hành sáp nhập chi bộ, đảm bảo 1 chi bộ đảng sẽ lãnh đạo 1 tổ dân phố, đảm bảo 4 chức năng cơ bản. Về cơ bản nhân dân trên địa bàn quận đồng tình với phương án sáp nhập, sắp xếp này và mong muốn sẽ được thực hiện đồng bộ.
ĐB Nguyễn Xuân Lưu (quận Thanh Xuân) đánh giá TP đã chỉ đạo thận trọng, chặt chẽ, cụ thể khi thực hiện triển khai nội dung này. Lãnh đạo TP đã kịp thời lắng nghe, giải quyết kịp thời các kiến nghị của cơ sở, đặc biệt là việc bổ sung tổ phó tổ dân phố, tạo sự đồng thuận rất lớn của cử tri. Sau sáp nhập, quận Thanh Xuân giảm 101 tổ dân phố, còn 213 tổ dân phố. Sắp tới, quận Thanh Xuân sẽ tiến hành quy trình bầu cử và kiện toàn tổ phó tổ dân phố có thể tham gia cấp ủy chi bộ; rà soát các thủ tục hành chính của người dân sau khi sắp xếp, sáp nhập, đổi tên tổ dân phố; xem xét bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp mua sắm các thiết bị cho các nhà hội họp, nhà văn hóa của phường; sắp xếp các chức danh không chuyên trách tại địa phương.
ĐB Đỗ Mạnh Hải (quận Long Biên) cho rằng việc dừng triển khai Đề án để xem xét và sắp xếp thể hiện sự thận trọng, chắc chắn trong công tác lãnh đạo chỉ đạo, nhằm đảm bảo sự sắp xếp sẽ không tác động lớn đến đời sống của người dân. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ dân phố sau sáp nhập, Long Biên đã chủ động rà soát nhân sự; rà soát và quản lý các cơ sở vật chất để sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí; rà soát các thủ tục hành chính, hạn chế tối đa việc điều chỉnh tác động đến người dân; điều chỉnh mối quan hệ đặc biệt là các chỉ đạo của cấp quận xuống các tổ dân phố để đảm bảo phù hợp với thực tế hiện nay.
ĐB Trần Thế Cương (quận Bắc Từ Liêm) bày tỏ thống nhất cao với nội dung tờ trình. Hiện, quận Bắc Từ Liêm có 181 tổ dân phố, trung bình mỗi năm tăng 6000 dân trong 5 năm qua. Có 3 tổ dân phố trong diện phải sáp nhập, đó là Tổ dân phố số 1 phường Tây Tựu, Tổ dân phố số 6 và số 8 phường Phúc Diễn. Song quận Bắc Từ Liêm đề nghị với TP sẽ giữ nguyên, không sáp nhập các tổ dân phố trên. Bởi vì các tổ này nằm biệt lập so với các khu dân cư truyền thống; có đầy đủ hệ công trình, hệ thống chính trị, đoàn thể đang hoạt động ổn định; với tốc độ đô thị hóa như hiện nay thì dân sẽ lấp đầy các tổ này…
Sau sắp xếp, cần đảm bảo thuận lợi cho người dân khi giao dịch hành chính
Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 13 HĐND TP Hà Nội khóa XV sáng 21/2, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: Với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ và khách quan, kỳ họp không thường kỳ (Kỳ họp thứ 13) HĐND TP khóa XV đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra.
Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, với sự lãnh đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND, sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong toàn TP và sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ban HĐND với sở, ngành TP, việc chuẩn bị Kỳ họp rất bài bản, nghiêm túc, đúng luật. Vì vậy, tại Kỳ họp này, HĐND TP đã tiến hành xem xét, thảo luận và thông qua Nghị quyết về việc sáp nhập, đặt tên và đổi tên thôn, tổ dân phố (TDP) thuộc 11 quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội năm 2020 với tỷ lệ thống nhất cao, 100% đại biểu có mặt đã đồng thuận biểu quyết.
HĐND đã quyết định thông qua việc sáp nhập đối với 3.918 TDP, 8 thôn để thành lập mới 1.403 TDP, 4 thôn; thực hiện đổi tên 226 TDP trên địa bàn 7 quận. Như vậy, qua hai kỳ họp (Kỳ họp thứ 12 và Kỳ họp thứ 13), HĐND TP đã thông qua việc sáp nhập đối với 4.274 thôn, TDP để thành lập 1.566 thôn, TDP mới; đổi tên 279 thôn, TDP. Sau 2 Nghị quyết của HĐND thì toàn TP hiện có 5.260 thôn, TDP (giảm 2.708 thôn, TDP so với trước khi sáp nhập, như vậy giảm 34%). Kết quả này thể hiện quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền TP và sự đồng thuận của người dân trong việc triển khai Nghị quyết 18 của T.Ư về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết HĐND vừa ban hành, gắn với việc chuẩn bị Đại hội Đảng bộ cơ sở; đồng thời với quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ đột xuất của TP trong thời gian tới, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị: UBND TP đánh giá bước đầu thực hiện Nghị quyết về việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, TDP tại Kỳ họp thứ 12 của HĐND TP, như kịp thời ban hành các văn bản liên quan đến chế độ chính sách với cán bộ hoặc số lượng tổ phó TDP. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết đã được Kỳ họp thứ 13 - HĐND TP vừa thông qua, đảm bảo đúng tiến độ, đồng thời khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ 12, như: Kịp thời ban hành các văn bản liên quan chế độ chính sách với tổ phó TDP…; thuộc 7 quận, huyện còn lại, trình HĐND TP vào thời điểm thích hợp.
Đáng chú ý, "các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp khi triển khai thực hiện Nghị quyết này cần chú ý đảm bảo quy trình dân chủ, khách quan, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân; sắp xếp ổn định tổ chức Đảng, đoàn thể để phục vụ tốt Đại hội Đảng các cấp, song song với đảm bảo thủ tục hành chính thuận lợi cho người dân khi giao dịch; quan tâm chính sách và động viên tinh thần các cán bộ có quá trình gắn bó và công tác lâu năm ở thôn, TDP nay không có điều kiện tham gia do việc sáp nhập thôn, TDP" - Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh.
Đồng thời, Chủ tịch HĐND TP đề nghị các cấp, các ngành ở địa phương, các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, trong Nhân dân và kịp thời phản ánh khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai đến thành phố để kịp thời giải quyết. Thường trực HĐND TP, các Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND TP và các đại biểu HĐND TP tiếp tục theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết này tại cơ sở mình. Cùng với đó, HĐND TP kêu gọi và đề nghị người dân Hà Nội tiếp tục tham gia xây dựng chính quyền ở địa phương bằng việc tham gia tích cực việc triển khai nghị quyết của HĐND TP tại cơ sở mình. Sự đồng thuận của người dân là yếu tố quan trọng nhất trong việc thực hiện nghị quyết này.