Bổ sung một số nội dung vào chương trình kỳ họp
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau khi Chính phủ có đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội đã bố trí vào dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp một số nội dung.
Cụ thể là Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; việc tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; về giảm thuế giá trị gia tăng; việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Đối với 3 dự án: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Đường bộ, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề tháng 4/2023, hồ sơ tài liệu cơ bản đảm bảo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Nội dung này đang chờ xin ý kiến Bộ Chính trị. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định; nếu Quốc hội đồng ý bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 (tại Kỳ họp thứ 5) thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bổ sung vào chương trình kỳ họp trình Quốc hội. Do đó, trong dự kiến chương trình kỳ họp trình Quốc hội thông qua tại phiên họp trù bị chưa thể hiện 3 dự án luật này.
Dự kiến trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội sẽ họp về công tác nhân sự
Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến góp ý, căn cứ tình hình thực tế, cân nhắc thời gian, cách thức tiến hành kỳ họp và yêu cầu riêng đối với một số nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến bố trí tăng thời gian trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ 20 phút lên 25 phút.
Tổng Thư ký Quốc hội không đồng tình với đề nghị giảm thời gian chất vấn từ 2,5 ngày xuống còn 2 ngày mà giữ nguyên như thông lệ tại các kỳ họp trước.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho rằng, việc bố trí Kỳ họp thành 2 đợt, trong đó ấn định thời gian của đợt 1 (kết thúc ngày 10/6) để cơ bản thảo luận xong các nội dung và các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan có thời gian cho việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trong khoảng 1 tuần nghỉ giữa 2 đợt; đồng thời, cũng tạo điều kiện để các vị đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm giải quyết các công việc ở bộ, ngành, địa phương.
“Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội do hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, đồng thời là để bảo đảm điều kiện tiến hành các phiên họp về nhân sự, việc biểu quyết các nội dung của kỳ họp“ – Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nói.
Theo dự kiến nội dung chương trình, ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ họp riêng để quyết định công tác nhân sự.
Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22 ngày; khai mạc vào ngày 22/5/2023 và dự kiến bế mạc vào ngày 23/6/2023. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội và tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 diễn ra trong 17 ngày (22/5-10/6/2023) và đợt 2 là 5 ngày (từ 19/6- 23/6/2023).
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, trong trường hợp 3 dự án là Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Đường bộ được trình Quốc hội thì thời gian của Kỳ họp thứ 5 sẽ được bố trí dài hơn.
Trong phát biểu kết luận Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Đến nay về cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Bên cạnh đó, vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, để có thẩm tra chính thức. Do đó, đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội rà soát để thẩm tra chính thức các nội dung, bảo đảm hoàn thiện hồ sơ tài liệu để gửi các đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trước thềm khai mạc Kỳ họp, sẽ có họp giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Cán sự Đảng Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan hữu quan và thành phố Hà Nội để rà soát lại toàn bộ công tác bảo đảm cho kỳ họp và sẽ có họp báo để cung cấp thông tin về kỳ họp theo quy định của pháp luật.