Sau đó, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra các dự án: Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được xây dựng nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua đầu tư PPP nói riêng, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, khắc phục những khó khăn bất cập đang tồn tại hiện nay và đảm bảo tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.
Dự thảo luật quy định về: nội hàm của đầu tư PPP; mối quan hệ của luật PPP và một số luật cơ bản có liên quan để bảo đảm tính chỉnh thể của hệ thống pháp luật; phạm vi áp dụng; hội đồng thẩm định dự án PPP; trình tự thực hiện dự án PPP; các loại hợp đồng PPP; cơ chế quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP; hoạt động của doanh nghiệp dự án; quyết toán vốn đầu tư xây dựng dự án PPP; các cơ chế đảm bảo của Chính phủ.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng gồm 02 Điều (Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2014. Điều 2: Điều khoản thi hành) được xây dựng trên cơ sở tuân thủ 03 nhóm chính sách, bao gồm: Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 19 Điều, bổ sung 03 Điều và đổi tên Chương IV của Luật Phòng, chống thiên tai; sửa đổi 08 Điều của Luật Đê điều; Sửa tên “Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn” thành “Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề phù hợp với Quyết định 2050/QĐ-TTg ngày 20 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ tại Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Tài nguyên, môi trưởng biển và hải đảo.
Sửa tên “Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn” thành “Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn” để phù hợp, thống nhất tên gọi từ trung ương xuống địa phương tại Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Thủy sản. Sửa tên “Ban chỉ đạo phòng chống lụt, bão trung ương” thành “Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai” tại Luật Đê điều. Sửa tên “Ban chỉ huy phòng chống lụt, bão” thành “Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn” tại Luật Đê điều.
Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng dự bị động viên và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.
Dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 05 chương, 43 điều (giảm 04 điều so với dự thảo Chính phủ trình), quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.
Dự thảo Luật đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7.
Những nội dung của dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý gồm: giải thích từ ngữ; nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; các hành vi bị nghiêm cấm; thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh kế hoạch; đăng ký quân nhân dự bị; đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật; tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên; độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình; nghĩa vụ của quân nhân dự bị đã xếp trong đơn vị dự bị động viên.../.