Kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội khóa XV: Thảo luận và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng

Linh Chi - Thủy Tiên - Thái San - Ngọc Hải - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 8/7, UBND TP trình HĐND TP khóa XV thảo luận và quyết nghị về chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020 của TP.

 Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền trình bày tờ trình

Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2019

Chiều 8/7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách TP năm 2019 (đợt 2) với tỷ lệ tán thành 100% đại biểu có mặt.

Trước đó, tại tờ trình điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách TP năm 2019 (đợt 2) do Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền trình bày, UBND TP đề xuất điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách TP năm 2019 (đợt 2) để bố trí kế hoạch vốn cho các dự án triển khai thực hiện.

Về chi đầu tư xây dựng cơ bản tập trung, UBND TP đề xuất điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn của 24 dự án. Trong đó, điều chỉnh giảm vốn năm 2019 của 7 dự án với mức vốn giảm 225 tỷ đồng; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn của 17 dự án với tổng mức vốn tăng 270 tỷ đồng.

Ngoài ra, UBND TP đề xuất bố trí 50 tỷ đồng từ nguồn kết dư ngân sách năm 2018 để thực hiện cơ chế giải ngân linh hoạt kế hoạch vốn để thực hiện công tác khảo sát, lập, trình thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán công trình đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp TP giai đoạn 2016-2020 đã được HĐND TP phê duyệt, dự kiến bố trị vốn thực hiện năm 2020; đề xuất HĐND TP cho phép phân bổ kế hoạch vốn năm 2019 với mức vốn hơn 46 tỷ đồng cho 112 dự án, đồ án quy hoạch từ nguồn 100 tỷ đồng đã được HĐND phân bổ.

Chi hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, thị xã, gồm: Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn 13 dự án hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho cấp huyện đầu tư các dự án trong định mức hỗ trợ tại Nghị quyết số 18/NĐ-HĐND ngày 6/12/2016 với tổng vốn tăng 58 tỷ đồng; bổ sung danh mục và kế hoạch vốn cho 35 dự án hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho 7 huyện đã được HĐND TP quyết nghị tại Nghị quyết số 08/NĐ-HĐND ngày 4/12/2018 với mức vốn 375,2 tỷ đồng.

 Kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội khóa XV chiều 8/7

Về nguồn vốn cân đối, tổng nhu cầu bổ sung vốn năm 2019 theo phương án nêu trên là 773,25 tỷ đồng. UBND TP đề xuất phân bổ 275,05 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm kế hoạch vốn xây dựng cơ bản tập trung và các dự án ngân sách TP hỗ trợ bổ sung có mục tiêu trong định mức hỗ trợ tại Nghị quyết số 18/NĐ-HĐND ngày 6/12/2016 (cho các dự án có quyết định đầu tư đến 31/10/2018); phân bổ số kinh phí còn lại (498,2 tỷ đồng) từ nguồn dự kiến kết dư ngân sách TP năm 2018 (từ nguồn kết dư ngân sách TP năm 2017 chưa sử dụng).

Sau khi điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn, tổng số vốn đầu tư năm 2019 sẽ tăng từ hơn 30.992 tỷ đồng lên thành hơn 31.490 tỷ đồng, tăng thêm 498,2 tỷ đồng (tăng thêm 2.470,7 tỷ đồng so với kế hoạch giao đầu năm). Số dự án được bố trị vốn tăng từ 490 dự án lên thành 546 dự án, tăng thêm 56 dự án.

Tại báo cáo thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP cơ bản thống nhất với phương án đề xuất. Tuy nhiên, Ban Kinh tế - Ngân sách yêu cầu có các giải pháp quyết liệt hơn để đảm bảo khả năng hấp thụ vốn năm 2019 đã giao và sẽ giao bổ sung (đặc biệt đối với các dự án bổ sung vốn, tăng vốn). Đồng thời yêu cầu làm rõ thẩm quyền trong việc chuyển chủ đầu tư đối với dự án xây dựng nhà thể chất, thư viện và cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật trường THPT Minh Khai, huyện Quốc Oai…

Trong phương án trình còn 4 dự án chưa có quyết định phê duyệt đầu tư dự án. Đến kỳ họp HĐND TP, UBND TP chưa ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư, không đảm bảo điều kiện bố trí kế hoạch vốn năm 2019 theo đúng quy định thì loại khỏi danh mục điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách TP năm 2019 đối với các dự án này.

 Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông trình bày dự thảo tại Kỳ họp thứ 9, HĐND TP khóa XV

Bổ sung 634 dự án vào danh mục thu hồi đất

Tiếp theo chương trình kỳ họp, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung 634 dự án vào danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2019.

Theo Nghị quyết số 11/NQ - HĐND ngày 4/12/2018 của HĐND TP Hà Nội, Danh mục các công trình, dự án thu hồi đất; chuyển đổi mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2019 đã được thông qua với 1.994 dự án.

Trong đó có 1.686 công trình, dự án thu hồi đất với tổng diện tích là: 5.573,52 ha. 308 công trình, dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, với diện tích diện tích là 518,58 ha.

Kết quả thực hiện công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đến 30/4/2019 còn khá khiêm tốn. kết quả thu hồi đất đến nay trên địa bàn TP là 1.291,69 ha, đạt 42,38% kế hoạch thu hồi đất năm 2019 theo Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 04/12/2018 của HĐND TP.

Cụ thể mới có 240 dự án thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích 764,32 ha. Số dự án Sở TN&MT mới thực hiện các thủ tục cắm mốc giới phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với 154 dự án, diện tích 527,37 ha.

Căn cứ thực tế đó, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã đề xuất loại bỏ khỏi danh mục thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất năm nay 27 dự án thực hiện đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra; hoặc tính khả thi không cao...

Đề nghị bổ sung 634 dự án thu hồi đất, với diện tích là 2.013,91 ha (235 dự án vốn ngân sách đủ căn cứ pháp lý với diện tích: 492,88 ha; 352 dự án vốn ngân sách dân sinh bức xúc, trọng điểm với điện tích: 1.228,62 ha và 47 dự án vốn ngoài ngân sách với diện tích: 292,41 ha).

Đề nghị bổ sung 300 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, với điện tích là 492,02 ha (119 dự án vốn ngân sách đủ căn cứ pháp lý với diện tích 165,03 ha; 148 dự án dân vốn ngân sách sinh bức xúc, trọng điểm với diện tích: 261,12 ha và 33 dự án vốn ngoài ngân sách với diện tích: 65,86 ha).

 Các đại biểu thông qua Nghị quyết

Căn cứ Tờ trình của UBND TP Hà Nội, Báo cáo thẩm tra của của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP đã đưa ra biểu quyết thông qua điều chỉnh, bổ sung danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2019; Danh mục dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2019.

Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP đã Thông qua Nghị quyết bổ sung 634 dự án vào Danh mục các dự án thu hồi đất năm 2019; Danh mục dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2019.

Trên cơ sở danh mục dự án đã được HĐND TP thông qua, đối với dự án sử dụng vốn ngân sách TP đã có trong kế hoạch đầu tư công của TP được cân đối trong Nghị quyết về phân bổ dự toán ngân sách TP năm 2019 của HĐND TP.

Các dự án thuộc ngân sách cấp quận, huyện để các quận, huyện bố trí. Các dự án ngoài ngân sách do chủ đầu tư bố trí theo tiến độ đầu tư, đảm bảo bố trí đủ kinh phí phần GPMB trong năm 2019.

Hà Nội chi thêm 124.500 triệu đồng/năm để hỗ trợ giảm nghèo 

Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về việc quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống của TP Hà Nội.

Theo Giám đốc Sở LĐ - TB&XH Khuất Văn Thành, đầu năm 2019 toàn TP có 23.289 hộ nghèo, với 64.213 nhân khẩu, chiếm 1,16% tống số hộ dân toàn TP.

Trong đó có 13.512 hộ không có khả năng thoát nghèo do trong hộ có đối không có người trong độ tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động; 226 hộ nghèo có trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng; 4.686 hộ nghèo có người cao tuổi cô đơn; 2.608 hộ nghèo có người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng; 2.115 hộ nghèo có người mắc bệnh hiểm nghèo; 3.370 hộ nghèo có người đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội khác; 1.392 hộ nghèo không có người trong độ tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động. Đây là các hộ nghèo diện đặc biệt khó khăn, không có khả năng vươn lên lao động thoát nghèo, luôn cần hỗ trợ về y tế, giáo dục, hỗ trợ hàng tháng.

 Giám đốc Sở LĐ - TB&XH Khuất Văn Thành

Vì vậy, ban hành Nghị quyết về giảm nghèo bền vững TP Hà Nội là rất cần thiết để thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững. Phấn đấu đến cuối năm 2019 TP cơ bản không còn hộ nghèo.

Đối tượng áp dụng chính sách này là người cao tuổi cô đơn; người khuyết tật đặc biệt nặng; người mắc bệnh hiểm nghèo.

Thành viên thuộc hộ gia đình nghèo được công nhận thoát nghèo; người khuyết tật nặng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ.

UBND TP đưa ra 4 chính sách giảm nghèo bền vững. Đó là: Thứ nhất, hỗ trợ hàng tháng đối với nhóm đối tượng là người cao tuổi cô đơn; người khuyết tật đặc biệt nặng; người mắc bệnh hiếm nghèo (HIV, ung thư, suy thận mãn phải chạy thận nhân tạo, xơ gan giai đoạn mất bù, suy tim độ 4 và các bệnh hiếm nghèo khác theo quy định của cơ quan y tế). Các đối tượng này là thành viên thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo mà trong hộ không có người trong độ tuổi lao động hoặc không có người còn khả năng lao động.

Mức hỗ trợ hàng tháng áp dụng bằng mức chuẩn nghèo của TP Hà Nội (khu vực thành thị: 1.400.000 đồng/người/tháng; khu vực nông thôn: 1.100.000 đồng/người/tháng). Mức trợ cấp hàng tháng sẽ được điều chỉnh tương ứng khi chuẩn nghèo của TP thay đổi.

Thứ hai, hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng là thành viên thuộc hộ gia đình nghèo được công nhận thoát cận nghèo. Thời gian hỗ trợ tối đa 36 tháng sau khi hộ gia đình thoát cận nghèo.

Thứ ba, hỗ trợ 100% học phí và hỗ trợ chi phí học tập mức 100.000 đồng/học sinh/tháng cho trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông (kế cả học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục thường xuyên) là thành viên hộ gia đình nghèo được công nhận thoát nghèo. Thời gian hỗ trợ theo thời gian học thực tể không quá 9 tháng/năm học, tối đa không quá 03 năm học sau khi hộ gia đình thoát nghèo.

 Các đại biểu thông qua nghị quyết

Thứ tư, tiếp nhận người cao tuổi cô đơn thuộc hộ cận nghèo; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; người khuyết tật nặng thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội trực thuộc Sở LĐ - TB&XH Hà Nội.

Tổng kinh phí thực hiện là 346.050 triệu đồng/năm. Trong đó kinh phí tăng thêm so với kinh phí đang thực hiện là 124.590 triệu đồng/năm.

Trình bày báo cáo thẩm tra của HĐND TP, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐNDTP Nguyễn Thanh Bình cho biết: Ban Văn hóa - Xã hội thống nhất với nội dung của dự thảo Nghị quyết, việc UBND TP đề xuất 4 chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống là phù hợp với các quy định hiện hành của Trung ương, của TP.

Ngoài ra, Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị UBND TP bổ sung đối tượng thành viên hộ nghèo sau khi được công nhận thoát cận nghèo.

Ưu tiên các dự án giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc

Tiếp theo chương trình, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.

Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã trình bày Tờ trình số 100/TTr-UBND ngày 20/6/2019 của UBND TP Hà Nội về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.

Trong đó, đề nghị HĐND TP cho ý kiến 2 dự án nhóm A trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đó là các dự án: Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; Xây dựng tuyến đường kết nối cao tốc Pháp Vân với Vành đai 3. Ngoài ra, UBND TP cũng đề xuất HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư 24 dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư 4 dự án khác.

Tính đến hết ngày 20/6/2019, Ban Kinh tế ngân sách, HĐND TP đã nhận được 24 hồ sơ, đề xuất phê duyệt; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, các hồ sơ đảm bảo đủ thành phần như quy định tại điều 22 nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2018 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.

Xét đề nghị của UBND TP Hà Nội, qua thẩm tra, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về cho ý kiến, phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 của TP Hà Nội.

Thống nhất về chủ trương sử dụng vốn đầu tư công của TP đầu tư 2 dự án nhóm A trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, tổng mức đầu tư dự kiến 5.122 tỷ đồng. Phê duyệt chủ trương đầu tư 24 dự án, trong đó có 23 dự án nhóm B, 1 dự án trọng điểm nhóm C sử dụng vốn đầu tư công của TP; tổng mức đầu tư dự kiến gần 6.231 tỷ đồng. Điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 4 dự án nhóm B sử dụng vốn đầu tư công của TP, tổng mức đầu tư dự kiến 2.746 tỷ đồng.

HĐND TP giao UBND TP tổ chức thực hiện Nghị quyết; chỉ đạo đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư và các đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện hồ sơ chủ trương đầu tư dự án nhóm A, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

Chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, chuẩn xác quy mô, nội dung đầu tư. Chỉ đạo các sở, ngành liên quan căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao, thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư của các dự án, tăng cường kiểm tra, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách; tránh lãng phí, thất thoát trong quá trình đầu tư xây dựng công trình.

Trong xây dựng kế hoạch và điều hành kế hoạch đầu tư công hằng năm, sắp xếp bố trí vốn các dự án theo thứ tự ưu tiên đã được HĐND TP quyết nghị, trong đó ưu tiên đầu tư các dự án thuộc danh mục công trình trọng điểm, các dự án triển khai các chương trình công tác lớn, các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2016-2020 của TP, các dự án giải quyết nhu cầu dân sinh bức xúc, kiến nghị chính đáng của cử tri.

 Quang cảnh Kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội khóa XV

Hà Nội hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo

Cùng với 96/96 số đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết thông qua chủ trương ban hành Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội đến năm 2025 và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thuộc Đề án.

Theo đó, các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo gồm: Hỗ trợ kinh phí để thực hiện các hoạt động truyền thông khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp; Hỗ trợ chi phí để thực hiện các hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ kinh phí để phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ kinh phí để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, liên kết, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm.

Ngoài ra, nhất trí chủ trương hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội, đóng vai trò kết nối, dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thu hút và liên kết các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Trung tâm có 5 chức chính gồm: Quảng bá công nghệ; Tư vấn - Đào tạo; Cung cấp các dịch vụ ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sảng tạo; Hợp tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ (R&D); Kết nối mạng lưới.

Hà Nội thông qua 6 nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền HĐND TP

Cũng tại kỳ họp, với 96/96 đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về việc quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND TP. Các mức chi mới chính thức áp dụng từ ngày 1/8/2019.

Trước đó, tại tờ trình về việc quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND TP (khóa XV Kỳ họp thứ 9) do Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải trình bày, UBND TP trình HĐND TP ban hành quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND TP.

Cụ thể, về quy định mức chi giải thưởng cuộc thi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của Hà Nội, mức chi giải thưởng cấp TP bằng mức chi tối đa quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP. Mức chi giải thưởng cấp huyện (bao gồm các sở, ngành tương đương) bằng 50% mức chi cấp TP. Mức chi giải thưởng cấp xã bằng 50% mức chi cấp huyện.

Quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ chi tiếp khách trong nước của Hà Nội, UBND TP đề xuất các mức chi cho các nội dung chi đã đề xuất bổ sung. Cụ thể, mức chi tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam: Chi đón, tiễn tại sân bay: Tặng hoa cho Trưởng đoàn khách hạng C là nữ 500.000 đồng/người. Chi tặng phẩm đối với khách hạng C là Trưởng đoàn 700.000 đồng/người. Trường hợp đặc biệt theo yêu cầu đối ngoại hoặc theo thông lệ ngoại giao giữa hai nước, thủ trưởng cơ quan đón tiếp đoàn xem xét, quyết định việc tặng phẩm tặng thành viên chính thức và quan chức tùy tùng trong kế hoạch, đề án đón đoàn, mức chi 500.000 đồng/người. Tặng phẩm chung cho cả đoàn tối đa là 10.000.000 đồng/đoàn. Chi tặng phẩm cho đối tượng là đại biểu quốc tế khác tham dự hội nghị 500.000 đồng/người. Chi tiệc chiêu đãi cho đối tượng là đại biểu khách mời quốc tế khác, đại biểu và phiên dịch phía Việt Nam 600.000 đồng/người.

Quy định nội dung, mức chi và nguồn kinh phí thực hiện hoạt động thẩm định công nghệ dự án đầu tư của Hà Nội. Cụ thể, thuê chuyên gia tư vấn độc lập trong nước do Giám đốc Sở KH&CN quyết định và tối đa không quá 10.000.000 đồng/chuyên gia. Thuê chuyên gia tư vấn độc lập nước ngoài không vượt quá mức 10.000.000 đồng/chuyên gia.

Quy định nội dung, mức chi và nguồn kinh phí thực hiện hoạt động sáng kiến của Hà Nội. UBND TP đề xuất 1 mức chi đặc thù: Chi nhận xét, đánh giá cho thành viên hội đồng sáng kiến (chỉ áp dụng cho Hội đồng sáng kiến cấp TP): 500.000 đồng/phiếu.

Quy định nội dung và mức chi từ ngân sách TP hỗ trợ thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020. UBND TP đề xuất mức chi đặc thù theo các nội dung chi đã đề xuất bổ sung: Hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể mang địa danh, hỗ trợ 100% tổng dự toán kinh phí thực hiện. Hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đặc thù của địa phương mang địa danh chưa được bảo hộ nhãn hiệu tập thể sau khi có phê duyệt danh mục dự án đặt hàng của Bộ KH&CN, hỗ trợ 100% tổng dự toán kinh phí thực hiện.

Quy định mức chi từ ngân sách TP hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng cho người đã được điều trị khỏi bệnh phong nhưng bị khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và đảm bảo kinh phí duy trì hoạt động thường xuyên tại Khu điều trị phong Quốc Oai. Theo đó, kinh phí chi thường xuyên của bộ máy thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc bệnh nhân phong đã được điều trị khỏi bệnh phong được tính theo định mức chi khác của đơn vị dự toán quản lý hành chính cấp 2.

 Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng trình bày tờ trình tại kỳ họp

Giữ nguyên mức học phí với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS

Ở nội dung cuối cùng chiều 8/7, với 96/96 đại biểu có mặt tán thành, đạt 100%, HĐND TP đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của TP Hà Nội, và mức thu học phí đối với Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội năm học 2019-2020.

Theo tờ trình của UBND TP do Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng trình bày tại Kỳ họp thứ 9, HĐND TP khóa XV, nguyên tắc hiện nay là mức thu học phí phải phù hợp điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm; nằm trong khung quy định của Chính phủ, phù hợp chủ trương tiến tới miễn học phí với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS.

Đồng thời, mức thu học phí năm học 2019-2020 đảm bảo nguyên tắc, lộ trình tăng học phí đã được HĐND TP thông qua; học phí được điều chỉnh tăng với tốc độ phù hợp, không gây đột biến với phụ huynh học sinh. Căn cứ nguyên tắc này, UBND TP đề xuất giữ nguyên mức thu học phí như năm học 2018-2019 với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh cấp THCS, giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THCS; tăng mức thu học phí theo nguyên tắc đã được HĐND TP thông qua đối với các cấp học còn lại. Cụ thể:

 

Theo UBND TP, mức thu học phí đề xuất trong khung quy định của Chính phủ phù hợp khả năng chi trả của người dân. Tổng số thu học phí theo mức đề xuất khoảng 1.118,672 tỷ đồng, tăng 152,893 tỷ đồng; tiền thu học phí chiếm 12,8% tổng số chi hoạt động thường xuyên, nên học phí tăng nhưng nguồn kinh phí chi thường xuyên vẫn chủ yếu từ NSNN. Do không tăng học phí với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS, GDTX cấp THCS, ngân sách TP phải đảm bảo tương ứng khoảng 185,806 tỷ đồng. Việc điều chỉnh tăng mức thu học phí không làm ảnh hưởng đối tượng học sinh hộ nghèo, cận nghèo, học sinh diện chính sách, vì đã được hưởng chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.

Về học phí với Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội năm học 2019-2020, UBND TP cho biết: Năm học 2019-2020, theo tính toán, mức thu học phí hiện nay vẫn đảm bảo các chi phí cho hoạt động của nhà trường theo nguyên tắc tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và một phần chi phí khấu hao tài sản cố định nhung không vượt mức trần đối với đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Vì vậy, UBND TP đề xuất mức thu học phí năm học 2019-2020 được giữ nguyên như năm học 2018-2019.

Theo Nghị quyết được thông qua, quy định về mức thu học phí với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của TP; Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội năm học 2019-2020 hướng tới đối tượng áp dụng gồm: Trẻ em học mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập (trừ các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao); học sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp-GDTX của TP; sinh viên Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long và Trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội; cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập (trừ cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao); cơ sở giáo dục nghề nghiệp-GDTX của TP; Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long và Trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội.

Cụ thể, học phí với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông, GDTX công lập năm học 2019-2020 như sau:

 

Học phí với Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội năm học 2019-2020 như sau:

 

HĐND TP giao UBND TP tổ chức thực hiện Nghị quyết; chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền về mức thu học phí năm học 2019-2020 và các năm tiếp theo để Nhân dân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn hiểu, đồng thuận; tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học, không để xảy ra lạm thu và tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định của các trường; công tác thu, chi tài chính phải công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích.

Giao UBND TP trình HĐND TP mức thu học phí với chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non, phổ thông, GDTX công lập năm học 2020-2021 bằng mức cao nhất trong khung quy định tại Khoản 1, Điều 4, Nghị định 86/2015/NĐ-CP với vùng thành thị, nông thôn và bằng 50% mức cao nhất trong khung quy định với vùng miền núi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần