Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV thực hiện 5 nội dung quan trọng

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, thực hiện Điều 83 của Hiến pháp, Quốc hội phải tổ chức kỳ họp thứ nhất chậm nhất 60 ngày sau bầu cử. Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV thực hiện 5 nội dung rất quan trọng.

Hôm nay, thứ Ba, ngày 20/7/2021, Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV sẽ khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

  Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV thực hiện 5 nội dung quan trọng 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV thực hiện 5 nội dung rất quan trọng.

Thứ nhất, công tác tổ chức, nhân sự cấp cao của các cơ quan Nhà nước là nội dung trọng tâm của kỳ họp đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Nếu không thực hiện công tác nhân sự, chúng ta sẽ không thể đồng bộ, thống nhất với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thứ hai, Quốc hội nghe Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV, nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.

Thứ ba, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, đặc biệt là xem xét, quyết định: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Nếu Quốc hội không quyết định các vấn đề này sẽ gây khó khăn cho Chính phủ trong việc triển khai, điều hành cụ thể. Vì thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, Quốc hội phải thông qua các chủ trương này. Nếu Quốc hội thông qua chậm thì rõ ràng lĩnh vực về đầu tư công và các lĩnh vực quan trọng khác sẽ gặp nhiều khó khăn và thực hiện chậm hơn.

Thứ tư, Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 2 chương trình: Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.

Thứ năm, Quốc hội xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề.

 Nguồn: VOV