Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ký kết hàng trăm biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm OCOP các tỉnh Đồng bằng sông Hồng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 9/10, Ban Chỉ đạo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm TP Hà Nội phối hợp với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức Hội thảo Kết nối giao thương sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm OCOP TP Hà Nội với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, sự kiện nhằm mục đích kết nối các sản phẩm OCOP vào hệ thống bán lẻ, siêu thị, kênh phân phối của Hà Nội và cả nước. Từ đó, đẩy mạnh cơ hội hợp tác, sản xuất kinh doanh giữa các chủ thể.
Đơn vị phân phối trao đổi cơ hội hợp tác với các chủ thể bên lề hội thảo
Các chủ thể tham gia sự kiện này đều có các sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, đã được công nhận là sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, còn có các sản phẩm đăng ký dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020; các sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP...
Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho biết, đây là lần thứ 3 trong năm 2020, đơn vị phối hợp với các sở ngành của Hà Nội tổ chức các sự kiện kết nối giao thương sản phẩm OCOP. Hiệu quả mang lại từ hai lần đã diễn ra trước đây là rất tích cực. Bà Hậu cho biết thêm, việc kết nối này sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho các bên tham gia, thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững.
Tham dự hội thảo, các đại biểu là đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cho rằng, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã mở ra cơ hội vàng cho các chủ thể từ làng nghề đến các cơ sở sản xuất nông nghiệp phát huy, khai thác được hết tiềm năng, tinh hoa của các địa phương. Nhưng quan trọng hơn, theo đại diện nhiều đơn vị là sự phát triển đó đồng thời tạo ra công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho bà con khu vực nông thôn cũng như cho nhiều đối tượng lao động trên địa bàn.
Tại hội thảo, hàng chục chủ thể OCOP và các nhà phân phối thuộc Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đã có thời gian trao đổi, gặp gỡ, bàn bạc để tìm hiểu, nghiên cứu sản phẩm và thị trường phù hợp. Hàng trăm biên bản ghi nhớ đã được các chủ thể và đại diện đơn vị phân phối, hệ thống bán lẻ ký kết ngay tại sự kiện. Đây là tiền đề để tạo ra những kênh liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP trong thời gian tới.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết, việc phát triển sản phẩm OCOP có ý nghĩa hết sức quan trọng. Sở dĩ vậy là bởi từ những sản phẩm đặc thù của mỗi địa phương, nếu trước kia được sản xuất theo phương thức truyền thống, thì khi tham gia vào Chương trình OCOP, sản xuất sẽ được nâng lên tầm cao mới với quy chuẩn, tiêu chí chất lượng khắt khe nhất. Đặc biệt là được gọi tên và mang thương hiệu cụ thể.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức thêm các chương trình kết nối, giao thương như hội thảo ngày hôm nay, nhằm mở ra nhiều cơ hội cho việc tiếp cận nguồn cung và tìm kiếm phát triển thị trường thuận lợi, mang đến nhiều sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng” - ông Tường nói.