70 năm giải phóng Thủ đô

Ký kết hợp tác trong điều hành ngân sách những tháng cuối năm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều ngày 25/9 tại buổi ký kết Quy chế phối hợp công tác với lãnh đạo Bộ Tài chính về chương trình hợp tác và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, UBND TP Hà Nội đã kiến nghị Bộ Tài chính 16 nội dung liên quan đến cơ chế tài chính xây dựng Thủ đô mà trọng tâm là các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Cụ thể, UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ Tài chính cân đối bố trí kịp thời nguồn vốn đầu tư xây dựng cho các công trình trọng điểm thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách T.Ư triển khai trên địa bàn giao TP thực hiện gồm: Dự án đường 5 kéo dài; Nâng cấp quốc lộ 1A; Dự án cầu Vĩnh Tuy; Nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020 và Đề án cải tạo môi trường sông Nhuệ - Đáy…

Ký kết hợp tác trong điều hành ngân sách những tháng cuối năm - Ảnh 1
Bộ trưởng Vương Đình Huệ và Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo ký kết quy chế phối hợp công tác
 
 
TP Hà Nội cũng đề nghị Bộ Tài chính bổ sung kinh phí để Hà Nội thực hiện nhiệm vụ duy tu, sửa chữa các tuyến Quốc lộ mà Bộ GTVT đã chuyển về TP quản lý, kinh phí duy trì hệ thống cây xanh, chiếu sáng vệ sinh môi trường… Bố trí vốn ODA trong kế hoạch năm 2012 (khoảng 2.763 tỷ đồng), bố trí vốn trái phiếu Chính phủ (3.135 tỷ đồng) trong việc đẩy nhanh công trình y tế, giáo dục, thủy lợi, đê kè, ký túc xá sinh viên của TP...
 
Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định Bộ Tài chính sẽ huy động tổng hợp tất cả các nguồn vốn tài chính, phối hợp với Bộ KH&ĐT, ưu tiên cho Thủ đô nhiều nhất trong điều kiện ngân sách cho phép.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định Hà Nội sẽ tăng cường quản lý thu ngân sách, bố trí cân đối các nhiệm vụ về chi thường xuyên, chi đầu tư cho phù hợp, tương xứng với yêu cầu xây dựng Thủ đô.

Trong thời gian tới, Hà Nội và Bộ Tài chính sẽ xây dựng chương trình phối hợp hành động về thực hiện các nhiệm vụ với mục tiêu huy động các nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô trên cơ sở Quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế xã hội Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.