Thực tiễn cũng cho thấy, trước những yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng pháp luật, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan soạn thảo, vai trò gác cổng của các cơ quan thẩm tra càng được tăng cường hơn nữa, tránh sự chuẩn bị thiếu kỹ lưỡng, trình ra những dự luật không đảm bảo chất lượng hoặc thiếu thực tiễn.
Khung khổ thể chế pháp lý minh bạch, hiệu quả không chỉ khơi thông những điểm nghẽn mà còn thúc đẩy mọi nguồn lực phát triển. Hay nói cách khác, thể chế là đột phá của đột phá, việc đổi mới công tác xây dựng luật sẽ đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển đặt ra, đặc biệt là những lĩnh vực trọng điểm, thiết yếu với người dân và DN.
Nhìn vào thực tế phải nói rằng, trong thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật tiếp tục tạo thêm nhiều dấu ấn quan trọng, số lượng văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết được xem xét, thông qua ngày càng tăng; chất lượng cũng được nâng lên. Đặc biệt, nhiều quy định đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn trong phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế hoặc gỡ những nút thắt, điểm nghẽn về thể chế để kiến tạo, phát triển tại từng thời điểm...
Những quy định pháp luật “vòng đời” tồn tại ngắn, liên tục phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngay từ khi mới ban hành đã thấy những điểm vướng, lỗi nhịp với cuộc sống đang dần được khắc phục. Sự thiếu đồng bộ, thống nhất, có tính tiên lượng trong đề xuất các chính sách được chú trọng, để “đoạn tuyệt” với tư duy “ăn đong, chập chững” khi đề xuất xây dựng luật.
Nhưng thực tiễn cũng cho thấy, vẫn cần tạo thêm những bước tiến mới mạnh hơn nữa trong xây dựng và thi hành pháp luật bằng nhìn nhận thẳng thắn về cả những mặt được cũng như hạn chế trong vấn đề này. Như Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh, các dự án luật, nghị quyết dự kiến đưa vào chương trình xây dựng pháp luật phải đảm bảo tính khả thi cao nhất, sát thực với yêu cầu của thực tiễn. Tránh tình trạng “đánh trống ghi tên”.
Mỗi dự luật, nghị quyết khi được đề xuất đều cho thấy tính cấp bách để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Cùng với đó là những quan điểm kèm theo về việc cần sớm đẩy nhanh tiến độ nhưng cũng không thể bỏ qua chất lượng.
Ví dụ điển hình được nêu ra là Luật Khám chữa bệnh, mặc dù quan trọng, cấp bách nhưng phải hai lần trình mới đủ điều kiện xem xét, cho ý kiến. Đó chính là sự kỹ lưỡng cần thiết. Do đó, tinh thần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ từng dự án luật, chưa đủ điều kiện, chưa "chín" thì để lại, không nóng vội. Đồng thời trách nhiệm của các cơ quan đề xuất, thẩm tra nội dung đưa vào chương trình xây dựng luật nhưng sau đó không thực hiện được cũng được chỉ ra.
Chính tinh thần trách nhiệm, kỹ lưỡng và cụ thể hóa trách nhiệm này sẽ tiếp tục tạo ra những thay đổi về chất và lượng trong công tác làm luật trên tinh thần Quốc hội kiến tạo, có tính dẫn dắt, chủ động, cùng với đó là siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong xây dựng luật, pháp lệnh. Từ đó, tạo ra những chính sách không chỉ đi vào cuộc sống mà thực sự đón đầu thực tiễn như mong muốn. Đồng thời, coi trọng việc tổ chức, theo dõi thi hành pháp luật để biết được chính sách ban hành không biết đúng - sai thế nào, việc bị tắc là do quy định, do cách hiểu chưa đúng hay do khâu thực thi để có những điều chỉnh phù hợp.