Lúc đầu, cả nhà coi đó là một sự “rất dễ thương”, nhưng cái tính “ích kỷ từ cách nói” ấy đã được bé “thực thi” trong cuộc sống và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tính ích kỷ ấy được bé mang theo đến trường và hậu quả là cách sống ấy làm bé không thể hòa nhập với mọi người.
Cô bé đó cũng như nhiều trẻ khác thường thích đặt mình làm trung tâm và muốn sở hữu những đồ vật riêng không để người khác đụng đến. Có trẻ lại không thể học được tính kiên nhẫn, ngồi đợi đến lượt mình được chơi… Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, chính bố mẹ có vai trò rất lớn trong việc giáo dục con trẻ đức tính biết chia sẻ và không sống ích kỷ. Bởi trước hết bắt nguồn từ sự nuông chiều thái quá, đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ, khiến trẻ không có cơ hội học quan tâm đến người khác, biết nghĩ đến người khác. Trẻ sẽ say đắm trong cảm giác được tán dương, chỉ biết “nhận” mà không biết “cho”, không sẻ chia cùng mọi người và không còn coi việc quan tâm cũng là một nghĩa vụ. Đồng thời, một điều ít người nghĩ đến là việc khuyến khích trẻ tự tin và độc lập không đúng cách cũng biến trẻ thành ích kỷ, không cần biết đến quan hệ với người xung quanh, chỉ quan tâm đến lợi ích bản thân.
Hãy luôn dạy trẻ biết "cho đi" để "nhận lại" tình cảm của những người xung quanh không chỉ là một câu “sáo mòn”. Bố mẹ nên khéo léo hướng con đến những giá trị nhân văn tốt đẹp qua việc dạy cho trẻ biết quan tâm, yêu thương, chia sẻ dù chỉ là cây bút, cây thước, cái bánh… đến những người xung quanh. Thành công sẽ đến dễ hơn nếu trẻ phát triển tính cộng đồng, biết hợp tác và hỗ trợ với bạn bè của mình. Bên cạnh đó, tích cực giúp trẻ tiếp xúc với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình, việc làm này cho trẻ trải nghiệm thực tế mình đã đầy đủ thế nào và những người bất hạnh hơn mình, họ đã sống và cố gắng ra sao. Để chính từ thực tế cuộc sống ấy, trẻ hiểu và thực hiện một cách tự nguyện việc chia sẻ, thấu cảm cùng người khác, tự làm giàu thêm tâm hồn tươi đẹp và nhân hậu. Và đừng quên dạy cho trẻ biết những điều không thể sờ tới như cảm giác, ý tưởng, thời gian, những câu chuyện cũng là những thứ có thể chia sẻ được.
Một điều cần tránh là không nên quát mắng trẻ là “đồ ích kỷ” và trừng phạt khi trẻ chưa biết chia sẻ, vì sẽ vô tình gieo rắc nơi trẻ sự oán hận, chứ không phải lòng quảng đại. Những trẻ biết các chia sẻ, nhường nhịn, hay nói cách khác, biết hài hòa giữa “cho” và “nhận’ sẽ thích ứng tốt hơn với cuộc sống.