Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Kỹ năng sống] Coi chừng trẻ mê game ngày nghỉ kéo dài

TS. Thu Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày này, tại nhiều địa phương việc đi ra ngoài giao lưu bị hạn chế. Người lớn thì vẫn có nhiều việc để làm, riêng trẻ em đây là thời gian chúng dễ tìm game để giải trí. Do vậy, đây cũng là dịp trẻ em dễ mê game và trở nên nghiện game.

Trẻ nghiện game sẽ rối loạn giấc ngủ, không còn hứng thú học hành, không chú ý vệ sinh cá nhân, không để ý đến chuyện ăn uống… Có khi trẻ có những hoang tưởng, lẫn lộn giữa đời sống thực và đời sống ảo. Theo một quan niệm mới, nghiện game là một chứng bệnh tâm thần, rất khó để chữa trị, nên phòng bệnh là tốt nhất. Tức là, không để trẻ tiếp cận đến các dụng cụ chơi game: Máy tính để bàn, điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng trong môi trường internet.
 Chơi game lâu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như cuộc sống thường ngày. Ảnh: Trần Kiên
Không chỉ trẻ nhỏ nghiện game mà ngay cả trẻ vị thành niên, thậm chí lớn hơn nữa, vẫn có thể nghiện game. Một phụ huynh cho biết: Con của ông từ nhỏ đã mượn máy vi tính để bàn của bố để chơi game. Sau đó, khi con đậu đại học thì bố thưởng cho nó một laptop “xịn”, đẹp và cấu hình mạnh, mục đích là để học hành. Khi có “vũ khí” mới này, đứa con chủ yếu dùng nó để học tập mà là để chơi game. Hậu quả là cô sinh viên mới này học hành sa sút, đắm chìm vào game, thức đến 2 - 3 giờ sáng, ngủ đến tận 10 - 11 giờ trưa, không thiết cả đến chuyện ăn uống…

Có ông bố còn khổ đến nỗi hàng ngày phải lang thang quán internet để tìm con về, sau đó phải năn nỉ các quán không cho con mình vào chơi game.

Có quan niệm cho rằng, trẻ chơi game sẽ rèn luyện trí thông minh, khả năng phản ứng trở nên linh hoạt hơn. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Bởi lằn ranh chơi game giải trí với mê đắm game hết sức mong manh. Do đó, phụ huynh tốt nhất có biện pháp ngăn chặn từ xa, giúp con em mình không có khả năng tiếp cận nhiều với game từ thời gian đến công cụ.

Gia đình lý tưởng nhất là hướng con em mình đến với sách, với văn hóa đọc. Đây là không gian văn hóa gia đình thường thấy ở các nhà coi trọng chuyện đọc sách. Đương nhiên, sách phải phù hợp từng lứa tuổi. Phụ huynh cũng nên cẩn thận xem nội dung, câu chữ trong sách như thế nào, bởi đang có hiện tượng làm sách ẩu.

Nếu gia đình có internet, điện thoại thông minh, máy tính bảng… và cho phép con em mình dùng những phương tiện này thì cần có biện pháp để kiểm soát. Ngoài những phần mềm có thể cấm trẻ vào một số khu vực môi trường mạng, gia đình cần kiểm soát các phương tiện, và khi trẻ vào game, kể cả chơi game, cũng phải được xin phép trong thời gian bao lâu.

Vậy khi trẻ đã nghiện game? Đây là vấn đề đau đầu cho nhiều gia đình vì lúc này trẻ dường như cứng đầu không còn nghe lời khuyên bảo, thập chí trơ lỳ không phản ứng với lời dạy của cha mẹ.

Lúc này, gia đình cần cương quyết: Thu dụng cụ chơi game, bỏ môi trường mạng; hướng trẻ đến những hoạt động ngoài trời như chơi một môn thể thao nào đó, du lịch ở vùng hoang dã không có internet… Cũng có khi gia đình, đặc biệt là đứa trẻ nghiện hoặc gần như nghiện game, cần sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý, thậm chí là bác sĩ tâm thần nếu phải dùng thuốc. Gia đình cần nhìn thẳng vào sự việc để giải quyết, không vì xấu hổ, sĩ diện để né tránh.