Những kẻ xấu này đánh vào lòng tham của trẻ, chúng nhờ trẻ giao một món đồ có giá trị lớn và nhờ thu tiền hộ. Đổi lại trẻ phải thế chấp lại tài sản có trên người, đương nhiên tài sản này luôn có giá trị nhỏ hơn số tiền thu hộ, sau đó trẻ sẽ được nhận một số tiền (có thể là vài trăm ngàn), mà số tiền này với trẻ là rất lớn. Trong trường hợp này, vì lòng tham trẻ sẽ đồng ý, bởi chỉ cần bỏ ra chút công sức đã có thể kiếm được một món tiền dễ dàng. Không chỉ trẻ em, mà ngay cả người lớn cũng có lòng tham và dễ dàng bị lừa bởi những chiêu thức này. Vì vậy, ngay từ nhỏ, cha mẹ hãy dạy trẻ hiểu về lòng tham và cách để từ chối nó.Dạy trẻ không trao đổi giao dịch người lạ: Hãy dạy trẻ hiểu rằng, trên đời này không ai cho không ai cái gì, và khi ai đó cho mình một tài sản có giá trị quá dễ dàng, hãy biết đặt câu hỏi “tại sao?”. Bởi, những kẻ lừa đảo thường đánh vào tâm lý lòng tham của con người để chiếm đoạt tài sản. Giống như câu chuyện về việc một số học sinh được người lạ nhờ giao đồ, và hứa sẽ trả công bằng một số tiền lớn. Hãy đặt câu hỏi: Tại sao họ không tự làm việc đó; tại sao họ sẵn sàng giao một món đồ có giá trị lớn cho người lạ giao hộ... Cách tốt nhất là hãy dạy trẻ tuyệt đối không giao nhận bất kỳ món đồ gì với người lạ. Dạy trẻ hiểu “cái gì không phải của mình thì không nên chiếm hữu": Giống như khi tôi còn nhỏ, luôn được dạy rằng “nhặt được của rơi trả lại người làm mất". Khi nhặt được một cây bút máy rất đẹp rơi ở cổng trường, dù rất thích nhưng tôi đã mang nộp cho giáo viên chủ nhiệm. Tuần đó, tên tôi được nêu trên bảng tin tuyên dương “Người tốt việc tốt" của trường, điều khiến tôi rất tự hào. Khi làm việc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản, vốn dĩ cây bút này không phải của mình thì mình không nên giữ nó, và người mất chắc chắn đang rất buồn, hoặc đây có thể là một món đồ có ý nghĩa kỷ niệm quan trọng với họ. Sau này, tôi thường hay kể lại câu chuyện này cho con nghe, để chúng xem đó như một tấm gương.Dạy trẻ hiểu lòng tham là thứ rất đáng sợ, nó có thể khiến con người ta mất hết những gì đang có. Và lòng tham chi phối mọi tầng lớp trong xã hội, từ người giàu cho đến người nghèo. Mỗi người có cách thể hiện lòng tham khác nhau, người nghèo tham trộm cắp vặt, người giàu tham thông qua việc tính toán lừa gạt công sức người lao động, gian dối trong sản xuất... Hãy để trẻ hiểu rằng, dù sau này giàu hay nghèo chúng cũng không để lòng tham chi phối, để trở thành một công dân tốt, góp ích cho xã hội.