Đây là cảm giác khiến chúng ta khó chịu, dẫn đến tự ti hoặc tự tôn quá sức - để bảo vệ bản thân. Nhưng người lớn ít khi nghĩ đến cảm xúc của con trẻ và thường cho rằng, trẻ xấu hổ chỉ là sự việc thoáng qua không có gì quan trọng.
Mới đây, trên mạng xã hội có nói đến một đứa trẻ xấu hổ vì mẹ nó bị phê phán (cũng có thể đứa trẻ này xấu hổ với cả khi mẹ nó phê phán nhiều người) dẫn đến gần như trầm cảm. Như vậy, chỉ với sự ảnh hưởng đến cảm xúc một cách gián tiếp, đứa trẻ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, huống hồ nó bị phê phán trực tiếp. Thông thường, người lớn phê phán trẻ theo các kiểu: Mắng trẻ, đánh trẻ, chế giễu trẻ nơi công cộng, nơi có bạn cùng học, cùng chơi. Đây là điều khiến trẻ rất xấu hổ và có phản ứng tiêu cực, có thể khiến trẻ thêm bướng bỉnh, nếu chê nó học kém và lười chúng càng bỏ bê việc học… Lâu dài, trẻ có thể mặc cảm, tự ti, mất phương hướng trong học hành và quan hệ xã hội. Trẻ bị gây tự ái, xấu hổ thường là những em học kém, béo phì, ăn mặc luôm thuộm, nghịch bẩn… Nghĩa là rất nhiều đối tượng trẻ dễ bị chế giễu.Một chuyên gia tâm lý cho biết, khoảng 20 tháng tuổi trẻ đã hiểu về cảm xúc xấu hổ và tự ái. Đây là điều khác hoàn toàn với suy nghĩ của người lớn, họ thường cho trẻ biết tự ái khi đã khá lớn tuổi.Vậy làm sao để tránh trẻ bị xấu hổ? Trước hết, người lớn phải tự thay đổi bản thân. Người lớn tránh chế giễu những vấn đề “nhạy cảm” của trẻ, như việc đề cập đến hình thức của trẻ. Đặc biệt, không đánh và chửi mắng trẻ, nhất là ở chỗ đông người. Nếu cần phê phán trẻ, người lớn hãy nói chuyện riêng với trẻ bằng thái độ bình tĩnh và cho phép trẻ phát biểu ý kiến về vấn đề nó bị phê phán. Trẻ thường xấu hổ khi có nhiều người chứng kiến việc kém cỏi hay sai trái của nó. Như vậy, việc quan trọng ở đây là người lớn phải biết kiểm soát cảm xúc bản thân. Rất nhiều người vì xấu hổ về con cái nên đã chửi mắng trẻ ngay lập tức, bất kể đó là ở đâu. Nghĩa là, chúng ta đã giải tỏa cảm xúc bằng cách trút những xúc cảm đó lên con trẻ. Để kìm cảm xúc, người lớn cần lắng lại, chờ đợi một thời gian rồi hẵng bày tỏ thái độ với con trẻ.Cũng có khi, vì đã lỡ mắng chửi con khiến nó xấu hổ, người chỉ có thể “chữa cháy” bằng cách thành thật xin lỗi đó với lý do rõ ràng.Trẻ con đang phát triển mọi thứ trong cuộc sống. Điều quan trọng, như một danh nhân từng nói, sai lầm là thuộc tính của con người. Hơn nữa, muốn tiến bộ, con người buộc phải có những chuỗi sai lầm, nhất là con trẻ (do đó để tránh sai lầm, người ta thường tham khảo nhiều ý kiến để đưa ra quyết định cuối cùng). Do vậy, người lớn một mặt cần có cách tiếp cận đúng khi trẻ sai lầm, tránh cho trẻ xấu hổ dẫn đến phản ứng tiêu cực không đáng có. Chúng cũng chú ý không vì vui đùa mà chế giễu trẻ, khiến chúng phải xấu hổ.