Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Kỹ năng sống] Góc riêng tư cần tôn trọng

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không ít trường hợp, chỉ vì một lần bắt gặp con chơi điện tử ở quán vào đúng giờ đi học thêm hoặc phát hiện trẻ có hành vi không như mong muốn, họ lập tức mất lòng tin ở con mà quên nghe một lời giải thích từ phía trẻ.

Kể từ ấy, họ ra sức kiểm soát gắt gao, bất kể đi đâu làm gì đều hỏi đi mấy giờ và về nhà mấy giờ, nếu sai hẹn lập tức nảy sinh ngay suy nghĩ trong đầu rằng con nói dối, con đi chơi với bạn xấu… Đáng nói hơn, có trường hợp, mọi mối quan hệ bạn bè của trẻ cũng bị bố mẹ phân loại, kiểm soát vì sợ con giao du với người họ cho là "không tốt". Và đáng buồn khi giọt nước tràn ly khi chính người lớn lại trở thành “tấm gương xấu” cho trẻ khi lén nghe điện thoại của con, lén đọc nhật ký và chạm vào những góc riêng tư nhất của con mình. Chính điều ấy khiến trẻ cảm thấy không được tôn trọng, cảm thấy mất lòng tin chính vào bố mẹ mình và từ đó dẫn đến sự phản kháng, đặc biệt là ở lứa tuổi chấp chới giữa lớn và bé.

Các chuyên gia tâm lý đã đúc kết: Sai lầm lớn nhất trong định hướng giá trị sống và kỹ năng sống cho trẻ là người lớn thường áp đặt cách suy nghĩ và cách sống của mình lên con khi chúng đã bắt đầu biết suy nghĩ. Điều đó không khiến trẻ “ngoan” hơn mà đôi lúc còn phản tác dụng, khiến trẻ không tôn trọng bố mẹ mình.

Thực tế sự quan tâm của cha mẹ với con cái luôn là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, khi đã bắt đầu lớn, trẻ có xu hướng tự giải quyết những vấn đề mang tính riêng tư của mình, không còn nông nổi và bồng bột như lúc lên năm lên ba. Vì thế, bố mẹ nên cho con một khoảng trời riêng để có thể mạnh dạn bước vào đời. Có thể con phạm lỗi, vấp ngã, nhưng cứ để con tìm ra hướng để có thể mạnh mẽ đứng lên lúc thất bại. Không buông lơi, nhưng bố mẹ chỉ nên gần gũi, thường xuyên nói chuyện với con để nắm bắt những suy nghĩ và băn khoăn của con để có sự tư vấn, giúp đỡ kịp thời; nghe con trình bày lý do trẻ phạm lỗi để nhận biết đúng sai, định hướng đúng, không nên kiểm soát và bắt con làm theo ý mình. Đừng vì một lỗi nhỏ của con mà cho rằng trẻ đã “hỏng”, cần “dạy dỗ” lại bằng những biện pháp cực đoan mà người lớn cho rằng tốt.

Thực tế cũng đã cho thấy, bố mẹ tiêu cực sẽ khiến con cái cũng có cái nhìn tiêu cực và trẻ luôn nghĩ rằng mình không bao giờ đủ khả năng làm tốt một việc gì như mong đợi. Từ đó, khi làm bất kỳ việc gì, trẻ đều có tâm lý nặng nề, bi quan, yếu thế nên rất khó để thành công. Bố mẹ hãy là người luôn luôn lắng nghe để thấu hiểu những mong muốn của con trẻ, cảm nhận để nắm bắt được những tâm lý của con mình, đưa ra và lựa chọn những kỹ năng dạy bảo con một cách tốt nhất phát triển một cách toàn diện. Hãy là người bạn giúp con tự đứng vững trên đôi chân của chính mình, vì bố mẹ không thể theo và giám sát con suốt cuộc đời.