70 năm giải phóng Thủ đô

[Kỹ năng sống] Khi con nhận điểm kém

Khánh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay dọn góc học tập của con, vô tình tôi phát hiện bài kiểm tra môn toán điểm kém của con. Tôi đã vô cùng tức giận và lôi con ra quát mắng một trận. Tôi giận không phải vì con bị điểm kém mà vì con đã giấu điểm.

Ảnh minh họa.
Con đã khóc, xin lỗi và hứa không tái phạm, khi được hỏi tại sao lại giấu bài kiểm tra mà không nói với bố mẹ, “con sợ, con sợ bố sẽ mắng con". Tôi hiểu một phần nỗi sợ của con, chồng tôi là giáo viên dạy toán cấp 3, và dù anh cố gắng dạy thì con bé nhà tôi vẫn sợ học toán, đó cũng là môn yếu nhất của cháu nên anh luôn than thở vì sao con không mang được một tí gen của anh. Tôi cũng đã nhiều lần nhắc nhở chồng đừng tạo áp lực quá cho con sẽ khiến con sợ học toán. Những điểm số môn toán gần đây của con có thấp so với nhiều bạn bè trong lớp, nhưng so với điểm số trước đó thì cũng đã tốt hơn.
Tâm lý chung của phụ huynh đa phần sẽ đều như chồng tôi, thấy con nhận điểm kém là ngay lập tức quát mắng, rồi chê con, mang con so sánh với bạn này bạn kia,... điều này chưa hẳn sẽ giúp bé có động lực để cố gắng, mà có thể khiến bé cảm thấy mất tự tin, chán nản... dẫn đến che giấu kết quả học tập. Vậy lúc này cha mẹ nên làm gì?
Việc đầu tiên có lẽ là phụ huynh nên giữ bình tĩnh, nên tìm một việc gì đó để làm thay vì cố gắng tìm lý do con bị điểm kém ngay lúc đó, vì có thể bạn sẽ mất bình tĩnh, không kiểm soát được lời nói và hành động sẽ khiến con trẻ bị tổn thương.
Vào một thời điểm thích hợp, khi bạn cảm thấy có thể nói chuyện bình tĩnh với con, hãy cùng trò chuyện trao đổi với con để tìm hiểu nguyên nhân vì sao điểm kiểm tra của bé không tốt. Vì ngoài chuyện lười học, không tập trung nghe giảng thì cũng có rất nhiều nguyên do khác khiến bé sao nhãng chuyện học hành, điều đó cũng có thể từ gia đình.
Trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và bộ môn của trẻ để hiểu rõ hơn về tình hình học tập của trẻ trên lớp. Thông qua giáo viên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các mối quan hệ của con tại trường, về nhóm học, nhóm chơi... từ đó có thể biết những tác động bên ngoài ảnh hưởng đến việc học của con.
Sau khi đã tìm hiểu được nguyên nhân, bạn hãy trò chuyện lại với con để giúp con giải quyết những vấn đề bản thân đang gặp phải, bạn cũng có thể trao đổi thêm với giáo viên để hỗ trợ con trong quá trình học. Nếu cần thiết cũng có thể thuê gia sư dạy kèm tại nhà nếu lý do vì con không theo kịp bài vở trên lớp.
Điều quan trọng nhất là phụ huynh không nên tạo áp lực điểm số cho trẻ, vì điều này có thể khiến trẻ căng thẳng quá mức dẫn đến học tập không tốt. Hãy để trẻ được học tập thật thoải mái, đừng để điểm số là gánh nặng của trẻ.