Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Kỹ năng sống] Khi con nói “con không làm được”

Khánh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Con không làm được"; “Con không biết làm"; “Cái này khó quá"..., đó là những câu nói khi trẻ thực sự gặp khó khăn hoặc cũng có thể là do trẻ lười biếng.

Nếu do trẻ thật sự đã cố gắng hết sức rồi nhưng không thể làm được nữa, phụ huynh có thể giúp đỡ bằng cách hướng dẫn chỉ bảo thêm.
Nếu do trẻ lười biếng mà phụ huynh sẵn sàng làm thay, sẽ trẻ có tính ỷ lại, thụ động, lười suy nghĩ. Trong trường hợp này, nếu không được giúp đỡ, trẻ sẽ bỏ dở công việc đang làm.
Mấy đứa cháu của tôi đã từng lười biếng thụ động như thế, khi làm bài tập, vừa đọc đề xong chúng liền ngồi thừ ra, và khi được hỏi sao không làm bài thì câu trả lời nhận được là “bài này khó quá, cháu không biết làm".
 Ảnh minh họa.
Một lần khác, tôi sai đứa cháu 14 tuổi nhặt rau muống, câu đầu tiên cháu đáp lại là “cháu không biết nhặt rau". Nếu là đứa trẻ khác có thể chúng sẽ hỏi “nhặt như thế, cô chỉ cháu được không?”. Vì vậy, đối với những đứa trẻ lười biếng thụ động, bạn sẽ thường xuyên phải nghe những câu như “Con không biết làm"; “Con không làm được"... Vậy làm sao để giúp những đứa trẻ như vậy chăm chỉ hơn, và chịu tư duy hơn?
Thay vì làm việc giúp con, bạn nên dẫn dắt các bé vào quá trình giải quyết vấn đề. Bạn có thể phân tích tình huống đang diễn ra, để con tư duy câu trả lời.
Sau khi bố mẹ đặt câu hỏi, các bé sẽ lấy lại bình tĩnh để suy nghĩ hướng giải quyết. Nếu bé có thể tìm ra, bạn hãy để con tiếp tục làm. Nếu bé vẫn gặp vướng mắc, hãy đưa ra một số gợi ý và đề nghị giúp đỡ.
Nếu trẻ đã theo đuổi nhiệm vụ khó khăn trong thời gian dài, hãy cho bé nghỉ ngơi hoặc chuyển hướng chú ý sang một công việc nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Sau khi đã hồi phục thể lực và tinh thần, các em có thể làm việc hiệu quả hơn.
Câu nói "Con không làm được" có thể mang theo những suy nghĩ tiêu cực, hạ thấp bản thân. Khi nói, trẻ có thể đã cho rằng mình thất bại, kém cỏi. Thay vì phớt lờ chúng hoặc nói qua loa rằng: "Không sao đâu", "Mọi chuyện sẽ ổn thôi", phụ huynh nên trấn an tinh thần để con lấy lại niềm tin.
Khen ngợi sự cố gắng của trẻ để hoàn thành công việc, thậm chí có thể treo giải thưởng nếu trẻ làm xong sớm.
Truyền cảm hứng cho trẻ bằng cách kể chuyện bạn, người thân hoặc bạn bè của gia đình từng rơi vào tình huống khó khăn tương tự. Câu chuyện sẽ giúp trẻ nhận ra mỗi người đều có khó khăn riêng, quan trọng là phải tìm cách để giải quyết.
Người ta bảo “cha mẹ sinh con trời sinh tính", nhưng thực tế phần lớn tính cách của trẻ được hình thành từ những thói quen cha mẹ rèn luyện cho chúng và cả từ cách sống của cha mẹ. Và cha mẹ giúp trẻ bằng cách hướng dẫn chúng cách làm chứ không phải luôn làm mọi việc thay chúng.