Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Kỹ năng sống] Khi con quá nhiều năng lượng!

Phương Giao
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Con trai tôi gần 8 tuổi nhưng thành tích hoạt động thể thao và khát khao “lên rừng xuống biển” có thể nhiều hơn nhiều người lớn xung quanh tôi. Ngay từ khi lọt lòng, nhà tôi đã áp dụng các bài thể dục sơ sinh cho bé và tập bơi để thói quen thở trong môi trường nước như khi còn trong bụng mẹ.

Chúng tôi luôn khuyến khích bé vận động vì không muốn con mình trở thành nạn nhân của thiết bị điện tử. Tuy nhiên, cũng từ thói quen này mà nhu cầu vận động càng tăng dần theo mức độ lớn lên của bé. Khi các hoạt động trên mặt đất không còn đáp ứng được nhu cầu giải tỏa năng lượng, con tôi chuyển sang các hoạt động mạo hiểm như leo núi, lặn biển, vượt cáp treo…

Trẻ năng động không nhất hẳn là một điều xấu, nhưng nó rõ ràng là một thử thách lớn lao cho những người làm cha mẹ, nhất là khi chúng ta cần ở trẻ sự tập trung và cư xử điềm đạm, đặc biệt là khi ở nơi công cộng cần sự tập trung và yên tĩnh tương đối như trường học, nhà hàng, thự viện…

Rõ ràng trường học không phải là nơi có những hoạt động thể chất phù hợp với những trẻ năng động, nhất là thời buổi “đất chật người đông”, sân trường không còn đủ không gian cho trẻ con chạy nhảy trong giờ chơi. Và để không cảm thấy bị bức bối, những bé hiếu động như con trai tôi thường bày các trò nhằm giải tỏa năng lượng, mặc dù không hề có mục đích quấy phá chọc ghẹo ai nhưng vô tình lại gây bực bội cho những người xung quanh.

Chúng tôi tăng cường cho bé các hoạt động thể chất hàng tuần để bé cảm thấy có sân chơi và phát huy được khả năng của mình, giải phóng năng lượng. Ở trường sau giờ học, tôi đăng ký môn bóng rổ và bóng bàn cho bé. Còn ở nhà, chúng tôi sống ở chung cư có hồ bơi nên mỗi khi không đi học bé sẽ chơi hàng giờ ở hồ bơi. Bên cạnh đó, cuối tuần chúng tôi thường đăng ký cho bé tham gia các trò chơi leo vách núi nhân tạo, trượt ván, thả diều hoặc thực hiện những chuyến leo núi dã ngoại, lặn biển. Gần đây nhất bé muốn tham gia trò chơi trượt cáp treo và muốn mẹ tham gia cùng. Tôi muốn khuyến khích con nên đeo đuổi những sở thích và đam mê lành mạnh của bản thân và tạo tính cách dũng cảm cho nó.

Thực sự làm mẹ của một đứa bé năng động rất nhiều áp lực. Và để nuôi dưỡng tính năng động cũng như lòng can đảm trong một đứa trẻ đòi hỏi phụ huynh chúng ta cũng phải gạt bỏ những nỗi sợ hãi bên trong. Khi nào cần thiết thể hiện sự lo lắng tôi sẽ trao đổi rõ ràng về mức độ nguy hiểm trong các hoạt động cho bé nhưng tôi không muốn chính nỗi sợ trong mắt mình làm cản trở sự lớn lên lành mạnh cả thể xác và tâm hồn của một đứa trẻ.