Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Kỹ năng sống] Khi trẻ em nghiện smartphone

An Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày nay trong bất cứ gia đình nào, trẻ em từ khi còn rất nhỏ đã bắt đầu được tiếp xúc với các thiết bị điện tử, đặc biệt là smart phone (điện thoại thông minh).

Việc này giúp trẻ học hỏi và phát triển, tuy nhiên cũng có những hệ lụy khiến phụ huynh lo lắng.
Nếu như ngày xưa, trẻ em lớn lên bằng những lời ru của bà của mẹ, thì ngày nay chúng lớn lên qua những lời ru từ người xa lạ được phát ra từ những chiếc điện thoại, ipad, tivi. Kể từ khi có những thiết bị điện tử này, tôi không còn được nghe những tiếng à ơi ru con, ru cháu ngủ của các bà các mẹ nữa, cuộc sống bận rộn, phụ huynh để con chơi và xem đến khi mỏi mắt chúng tự lăn ra ngủ.
 Ảnh mang tính chất minh họa.
Có một điều không thể phủ nhận là những gì trẻ được tiếp cận từ các thiết bị điện tử rất phong phú, giúp chúng học hỏi mọi thứ nhanh hơn, đặc biệt là tiếp xúc sớm với tiếng Anh. Con gái một người bạn của tôi, mới được 23 tháng, đang trong độ tuổi bập bẹ nói nhưng bé đã có thể bắt chước và hát theo những bài hát tiếng Anh mà bé đã xem một ngày mấy chục lần. Bên cạnh đó cha mẹ cũng mở những clip dạy tiếng Anh cơ bản cho bé xem, vậy là bé có thể nhớ màu hồng tiếng Anh là gì, con chó tiếng Anh là gì…
Cháu gái tôi, từ khi được 15 tháng tuổi, bố mẹ đã gửi để ông bà chăm, bố mẹ đi làm cả ngày, ở nhà ông bà mở tivi cho xem từ sáng đến tối, đến bữa cho ăn, xem mỏi mắt thì lăn ra ngủ. Ông bà đi khoe với hàng xóm “cháu tôi dễ lắm, cứ bật tivi là ngồi trong nhà cả ngày xem không quậy khóc gì cả”.
Hậu quả là con bé độc chiếm tivi, tivi lúc nào cũng phát mấy bài hát tiếng Anh cho thiếu nhi, nhiều lúc ông bà muốn xem thời sự cũng không được, vì cứ hễ chuyển kênh là bé khóc. Đến lúc này, cả nhà mới tá hỏa, tìm cách “cai nghiện” tivi cho bé. Ông bà hạn chế làm việc nhà, dắt bé đi chơi, qua nhà hàng xóm rồi đi dạo lòng vòng, nhưng đặt chân về nhà là bé chạy tìm ngay điều khiển tivi để mở.
Một đứa trẻ khác gần nhà tôi, bố mẹ cũng để cho xem tivi, điện thoại từ bé, cả ngày không ai trò chuyện, bé cứ một mình với chiếc tivi, hậu quả là 5 tuổi, đến tuổi chuẩn bị đi học lớp 1 mà bé vẫn không chịu nói chuyện, khi được hỏi chỉ trả lời cho xong. Bố mẹ tá hỏa, phải đưa đến trung tâm trẻ tự kỷ, sau khoảng một năm học ở đây bé đã nói chuyện nhiều hơn. Bố mẹ đón về, rồi vẫn tiếp tục để bé làm bạn với tivi, bệnh cũ tái phát…
Và rất nhiều trường hợp khác, như nhiều đứa trẻ nếu không mở tivi, điện thoại cho xem thì sẽ không ăn. Rồi khi bố mẹ đút đồ ăn cho thì há miệng như một cái máy, mắt vẫn chằm chằm nhìn vào màn hình. Tôi tự hỏi liệu chúng có cảm nhận được mùi vị của miếng đồ ăn chúng vừa nuốt?
“Smart phone” không xấu, vấn đề là ở cách chúng ta để trẻ tiếp cận với chúng như thế nào. Cần phải có nguyên tắc “một ngày chỉ được xem 30 phút” vào giờ cố định nào đó và phụ huynh cần kiểm soát chương trình nào được phép xem.