Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Kỹ năng sống] Lòng tốt cần đặt đúng chỗ

An Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là con người, ai cũng có những lúc động lòng trắc ẩn giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Nhưng không phải lúc nào lòng tốt của chúng ta cũng được đặt đúng chỗ.

Nếu đang sống ở một thành phố lớn, chắc hẳn bạn sẽ không thấy lạ lẫm với hình ảnh những người xin tiền ở khắp thành phố, từ ngã tư đèn đến công viên, quán ăn… Khi lên mạng xã hội, bạn cũng sẽ bắt gặp rất nhiều những câu chuyện thương tâm được chia sẻ và cần được quyên góp tiền để chữa bệnh… Thế nhưng bao nhiêu phần trăm hình ảnh chúng ta nhìn thấy là sự thật?
Đã có rất nhiều “kẻ xin tiền" lang thang đã bị bắt quả tang là người khỏe mạnh giả tàn tật để đi xin tiền. Họ đánh vào tâm lý “lá lành đùm lá rách" của người Việt Nam để kiếm tiền và rồi họ sử dụng số tiền ấy vào rượu chè, cờ bạc, hút chích.
Một vài năm trở lại, với sự phát triển của mạng xã hội, đã có không ít những trường gặp khó khăn, cần nhóm máu hiếm trong cấp cứu, cần chi phí để điều trị bệnh đã được những cư dân mạng xã hội chia sẻ và quyên góp để hỗ trợ kịp thời. Đây là những tấm lòng rất quý của người Việt Nam.
Thế nhưng bên cạnh đó, cũng có rất nhiều trường hợp đã lợi dụng, sử dụng “chiêu trò" quyên góp nhằm trục lợi cho bản thân. Những kẻ này cũng sử dụng hình ảnh và câu chuyện một số trường hợp cần giúp đỡ và lấy mác “làm từ thiện" để đại diện nhận tiền quyên góp vào tài khoản cá nhân.
Thậm chí, “làm từ thiện" đã trở thành nghề của họ, nhưng họ có một điểm chung là không công khai hết số tiền nhận được và cho đi. Và họ sống sung túc hơn bằng số tiền chúng ta quyên góp mà lẽ ra là để dành cho những người khó khăn ngoài kia đang cần được giúp đỡ.
Gần đây, một cậu em trai có chị gái là nạn nhân trong vụ di cư bất hợp pháp tại Anh đã lên mạng xã hội kêu gọi mọi người quyên góp để gia đình đưa thi thể người chị gái về Việt Nam. Tuy nhiên, sự việc lúc này chỉ vừa mới được báo chí công bố, họ thậm chí còn chưa xác định danh tính nạn nhân, và nước Anh cũng đã tuyên bố sẽ hỗ trợ chi phí đưa nạn nhân về nước. Vậy mà, đã có rất nhiều người ngay lập tức chuyển tiền cho người này. Chỉ khi bị chỉ trích thì anh này mới thông báo ngưng nhận tiền, nhưng số tiền anh này đã nhận được bao nhiêu thì không ai biết.
Tâm lý người Việt Nam, thấy ai khổ, ai khó là sẵn sàng giúp đỡ ngay. Chính vì nắm bắt được tâm lý này nên những kẻ xấu mới dễ dàng lợi dụng, mượn việc “làm từ thiện" để kiếm lợi cho bản thân.
Để lòng tốt của chúng ta được đặt đúng người đúng chỗ, trước khi quyết định giúp đỡ một ai đó hãy tìm hiểu thật kỹ xem hoàn cảnh ấy có thật không? Nếu là thật, hãy giúp đỡ họ trực tiếp thay vì phải thông qua một người khác. Đừng để lòng tốt của chúng ta trở thành “hũ tiền" không đáy của kẻ khác!