Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Kỹ năng sống] Sợi dây gắn kết

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự phát triển về tâm thần, thể chất và xã hội của trẻ em có liên hệ chặt chẽ với thời gian mà bố mẹ và những người chăm sóc trực tiếp khác dành cho.

Nhưng nhiều người vì công việc áp lực, bận rộn, chỉ muốn được nghỉ ngơi sau một ngày dài làm việc, nên từ khi con còn nhỏ, thấy con quấy khóc mà đưa điện thoại, máy tính bảng cho chơi điện tử. Về lâu dài, những thiết bị số này trở thành “bảo mẫu” của trẻ. Sự gắn kết tình cảm giữa con và bố mẹ cũng trở nên lỏng lẻo, cơ hội để bố mẹ gần gũi, quan sát, giáo dục bé dần ít đi. Không ít trường hợp, càng lớn, trẻ càng bị “bỏ quên” trong chính gia đình mình.

 Ảnh minh họa.

Thực tế, trong cuộc sống gấp gáp của xã hội hôm nay, cũng khó tránh được việc người lớn cố gắng công sức để tạo dựng sự nghiệp, để cho con cái một cuộc sống vật chất dư thừa. Nhưng chính cuộc sống thực của những đứa con của mình họ lại quên mất. Và cũng chính việc nhiều trẻ do không được bố mẹ quan tâm, nên đành làm bạn với game, thích sống cuộc sống “ảo” nhiều hơn cuộc sống thực… Cùng với đó, theo một số kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý cũng cho thấy, tỷ lệ trẻ có biểu hiện và hành vi lo lắng, bi quan trước cuộc sống không hề nhỏ. Chưa kể chính vì thiếu sự quan tâm của người lớn, khiến những đứa trẻ luôn cảm thấy cô đơn, không muốn giao tiếp. Có những đứa trẻ trở nên khó gần, ngang bướng, thậm chí có nhiều hành vi lệch chuẩn dễ bị những thói xấu tác động hoặc có những hành vi sai lầm đáng tiếc.

Vai trò của gia đình được đặc biệt nhấn mạnh trong việc hình thành nên nhân cách và lối sống của trẻ, bởi đây chính là môi trường giáo dục đầu tiên. Ở đó, bố mẹ chính là những người thầy, người cô đầu tiên và cũng chính là người thầy, người cô đi suốt cuộc đời cùng con cái. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại đã lấy của phụ huynh quá nhiều thời gian, sức lực và tâm trí đến nỗi họ không có thời gian hoặc có rất ít thời gian dành cho con cái mình. Đây là một sai lầm phổ biến.

Theo các chuyên gia tâm lý, ngay cả việc nuôi dạy con cái hiện nay các gia đình cũng đã nhìn nhận chưa đúng khi chỉ bó hẹp trong việc học hành của con và nghĩ rằng một đứa con ngoan là luôn mang về điểm 10 và danh hiệu học sinh giỏi mà quên mất việc giáo dục cho con mình cách ứng xử, cách đối nhân xử thế... mới là quan trọng. Do đó, phát huy vai trò của gia đình trong việc giáo dục con trẻ, mỗi ngày, bố mẹ hãy tạm gác những công việc của mình, bớt ra khoảng thời gian nhỏ để trò chuyện và chia sẻ cùng con, để sợi dây gắn kết yêu thương ngày càng nối dài. Bên cạnh đó, phải nâng cao kiến thức, tìm hiểu những thay đổi cơ thể tâm sinh lý của con mình, tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp với từng đứa trẻ ở từng giai đoạn trưởng thành. Bố mẹ cần thay đổi nhận thức và có những ứng xử tình cảm thích hợp, giao tiếp nhiều hơn với con, lắng nghe và thấu hiểu chia sẻ với con, đó cũng là điều chính những đứa trẻ đang mong muốn để phát triển toàn diện.