Nói như vậy, nhưng không ít phụ huynh vẫn phàn nàn rằng, giới trẻ bây giờ từ bé đến lớn chỉ biết sống trong vòng quay bất tận ăn - ngủ - học – chơi, đáng buồn hơn, trẻ chỉ biết hưởng thụ và chưa bao giờ suy nghĩ đến những việc mình có thể làm, giúp đỡ người khác. Nhưng các chuyên gia tâm lý cho rằng, trước khi trách trẻ, người lớn hãy tự trách mình khi ôm ấp, bao bọc con quá kỹ, khiến trẻ không thể trưởng thành toàn vẹn.
Hơn nữa, chúng ta đừng bao giờ nghĩ con trẻ còn quá nhỏ để sống có trách nhiệm và cũng đừng bao giờ nghĩ đến chuyện tạm thời không cần nói với trẻ về điều đó. Và có một bài học cơ bản về kỹ năng sống để trẻ trưởng thành chính là hãy cho con tập làm việc.
Những công việc cho dù nhỏ nhặt hàng ngày cũng sẽ rèn cho trẻ tinh thần trách nhiệm, hãy dạy cho trẻ tập làm từ từ, chi tiết từng việc và phải hoàn thành một cách tốt nhất bằng tất cả lòng nhiệt tình, có ý thức trách nhiệm. Đó chính là bố mẹ dạy cho trẻ sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình để lớn lên, trẻ sẽ có khả năng tự lập, biết giúp đỡ những người xung quanh.
Chính vì vậy, tùy vào từng trẻ ở từng độ tuổi, bố mẹ có thể tập cho trẻ làm quen với những công việc đơn giản trong gia đình. Từ khi trẻ 2 - 3 tuổi có thể dạy trẻ biết dọn dẹp đồ chơi. Lớn hơn một chút có thể dạy trẻ xếp quần áo và làm một số việc cho bản thân như tự tắm, chọn quần áo..., rồi những việc có trách nhiệm hơn như chăm sóc em hoặc ông bà, những việc giúp đỡ bố mẹ…
Giao việc cho trẻ còn là một cách tốt để xây dựng lòng tự trọng và giúp trẻ khám phá năng lực, hứng thú của chính mình. Làm việc nhà cũng là cách thư giãn và đa dạng hóa hoạt động cho trẻ. Nhưng bố mẹ cũng cần chấp nhận sự vụng về ban đầu, bởi trẻ cần có thời gian để rèn việc. Đồng thời, bố mẹ cũng không nên tiết kiệm những lời khen, động viên, an ủi để trẻ thấy thành quả làm việc được ghi nhận.
Đây cũng là cách giúp trẻ có thêm động lực để hoàn thành tốt công việc của mình. Bố mẹ cũng nên giải thích cho con biết được rằng hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình trong gia đình là một cách giúp đỡ người khác; cho trẻ biết được rằng những hành động của mình ảnh hưởng tích cực như thế nào đến mọi người xung quanh.
Thực tế đã cho thấy rằng, những trẻ sớm tham gia làm các việc vặt trong nhà sẽ dễ dàng bước vào giai đoạn trưởng thành so với trẻ không có tinh thần trách nhiệm với những công việc đó. Bởi qua mỗi lần được “sai vặt”, được tự mình làm việc đã tạo cho trẻ thói quen quan sát người lớn khi làm một việc nào đó. Với tâm lý của trẻ con là ham học hỏi, thích tự mình mày mò làm, những mong muốn đó được thỏa mãn sẽ dần hình thành trong trẻ tính tự giác, tính độc lập… Như vậy, trẻ sẽ lớn lên trong sự tự tin vào chính bản thân mình cũng giúp trẻ trở thành một người độc lập, tự chủ hơn.