Giai đoạn năm 2009 - 2019, trung bình mỗi năm Ban Tiếp công dân TP Hà Nội tiếp khoảng 10.000 lượt người, gần 300 lượt đoàn đông người; đồng thời, phục vụ lãnh đạo TP tiếp hàng nghìn lượt người khác. Ban Tiếp công dân TP đã trực tiếp tham mưu lãnh đạo TP trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư và đôn đốc xử lý đơn thư của các quận, huyện, sở, ngành. Mặc dù đội ngũ cán bộ, công chức của Ban có 23 người, nhưng tính chất công việc phức tạp, khối lượng công việc nhiều. Đến nay, hệ thống quản lý đơn thư của Ban Tiếp công dân TP đã lưu trữ hơn 50.000 hồ sơ đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, phục vụ hiệu quả trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư.
Ban Tiếp công dân TP Hà Nội tiền thân là Phòng Tiếp công dân của TP, trực thuộc Văn phòng UBND TP Hà Nội. Ban Tiếp công dân TP duy trì nghiêm túc công tác tiếp công dân hàng ngày; đồng thời, tổ chức phục vụ công tác tiếp công dân định kỳ hàng tháng của lãnh đạo UBND TP và các cơ quan tham gia tiếp công dân tại 2 trụ sở: Số 34 Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) và số 20 Hoàng Diệu (quận Hà Đông). Kỷ niệm 10 năm thành lập, Ban Tiếp công dân TP vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng 3. |
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tiếp công dân TP Lê Ðình Cung cho biết: Trên địa bàn Hà Nội triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến việc thu hồi đất, GPMB, việc chuyển đổi mô hình chợ, dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, quản lý nhà chung cư... phát sinh nhiều đơn thư, khiếu kiện. Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp của vụ việc. Do đó, cán bộ, công chức Ban Tiếp công dân TP phải luôn nỗ lực, phát huy tinh thần, trách nhiệm, sự chủ động, sáng tạo trong công việc.
“Thông qua việc tiếp công dân, nhờ có cán bộ, công chức của Ban tiếp chu đáo, tỉ mỉ, phát hiện ra vấn đề, từ đó tham mưu cho lãnh đạo TP xử lý, giải quyết tốt cho dân. Đơn cử có lần, Ban Tiếp công dân TP tiếp đoàn đông người của quận Hà Đông. Các công dân kiến nghị đất dịch vụ được giao cho các hộ nằm cạnh trạm điện cao thế nên lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe. Chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo TP và được giao trực tiếp xuống kiểm tra. Sau khi kiểm tra thấy đúng như công dân kiến nghị, Ban đã làm việc với UBND quận Hà Đông, đề nghị quận xem xét lại, có phương án giao đất cho các hộ dân vị trí mới phù hợp. Các công dân được giải quyết thỏa mãn, không còn kiến nghị, phản ánh đến Ban” - ông Lê Ðình Cung chia sẻ.
Đối với hàng trăm lượt đoàn khiếu kiện đông người, Ban Tiếp công dân TP đã kiên trì tiếp, tuyên truyền, vận động, dân vận khéo, không để phát sinh tình huống phức tạp, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan đô thị tại khu vực trụ sở các cơ quan TP, như: Đoàn công dân phường Yên Sở, Định Công, Thịnh Liệt liên quan việc thực hiện các dự án trên địa bàn quận Hoàng Mai; Đoàn công dân quận Ba Đình, quận Đống Đa liên quan việc triển khai thực hiện Dự án đường Vành đai I đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục; Đoàn công dân chợ Kim (huyện Đông Anh); chợ Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy); chợ Cầu (huyện Ứng Hòa)…
Xây dựng hình ảnh cán bộ văn minh, thanh lịchNhiều năm làm công tác tiếp dân, Trưởng phòng Tiếp công dân và Xử lý đơn Ban Tiếp Công dân TP Nguyễn Minh Ngọc cho biết: Đa phần công dân là những người hiểu pháp luật, chấp hành tốt quy định của pháp luật, nội quy tại trụ sở tiếp công dân. Tuy nhiên, có không ít trường hợp chưa hiểu hết các quy định của pháp luật nên có thái độ chưa đúng mực, thậm chí có hành vi gây mất trật tự, lăng mạ công chức tiếp công dân. Đây là thực tế đòi hỏi Ban Tiếp công dân TP phải nghiên cứu, xây dựng, thực hiện nhiều biện pháp xử lý, giải quyết các tình huống xảy ra, trong đó dân vận khéo trong công tác tiếp công dân được đặc biệt coi trọng.
“Mỗi cán bộ, công chức, người lao động Thủ đô trong quá trình thực thi nhiệm vụ công vụ phải áp dụng đồng bộ, nhuần nhuyễn các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của TP. Đặc biệt là quy tắc ứng xử, công tác dân vận để vừa giải quyết hiệu quả công việc vừa để người dân nhận thấy sự chuyển biến tích cực của cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính, tạo sự hài lòng, tăng niềm tin đối với các cấp chính quyền. Qua đó góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức Thủ đô văn minh, lịch sự, thanh lịch” - Trưởng phòng Tiếp công dân và Xử lý đơn Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ.
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tiếp công dân TP Lê Ðình Cung, cán bộ, công chức phải nắm chắc từng vụ việc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân. Đồng thời vận động, thuyết phục công dân thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật khi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Đặc biệt, cần phải tìm hiểu, nắm bắt hoàn cảnh gia đình, tâm tư, nguyện vọng của người khiếu kiện để thuận lợi hơn trong quá trình tiếp, làm công tác dân vận. “Bên cạnh biện pháp kiên trì tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giải thích, cần có chế tài nghiêm khắc đối với những trường hợp lợi dụng quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo gây mất trật tự công cộng, cố tình không hợp tác với cơ quan Nhà nước trong quá trình thực thi công vụ. Ðể nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, các cấp ủy Đảng và chính quyền cũng cần quan tâm tạo điều kiện về cơ chế, chính sách đối với cán bộ làm công tác tiếp dân, sớm giải quyết những kiến nghị, phản ánh của công dân ngay từ cơ sở” - ông Lê Ðình Cung kiến nghị.