Tài văn chương của Nguyễn Du làm nên sức sống trường tồn của Truyện Kiều, ngược lại, sức sống trường tồn của Truyện Kiều đã đưa Nguyễn Du lên hàng “Thánh văn” thế giới. Truyện Kiều từng tạo nên “địa chấn văn chương” trong đời sống văn học của một loạt nước châu Âu châu Á như Pháp, Anh, Đức, Tiệp, Ba Lan, Nhật…
Mối nhân duyênNgười Việt không vật chất hóa giá trị tinh thần, những tác phẩm văn chương đạt tới “quốc bảo” trường tồn với thời gian với biển đời thì luôn được người Việt trân trong cất giữ nâng niu. Đầu thế kỷ 20, nước Việt đang dưới ách thực dân phong kiến, trong màn đêm nô lệ, người dân nước Việt vẫn luôn tự hào và ví kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du như khối vàng ròng đúc bằng chữ Nôm. Học giả Phạm Quỳnh (1892 - 1945) dũng cảm tuyên bố: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta còn”.
Đoàn cựu sinh viên khóa 22 Ngữ Văn ĐH Tổng hợp Hà Nội (1977 - 1981) đến thăm khu mộ Nguyễn Du, tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh. |
Ý kiến của cụ Phạm Quỳnh được kẻ sĩ nước Nam coi như một "tuyên ngôn" khẳng định giá trị văn hóa Việt, góp phần đẩy lùi âm mưu đồng hóa núp dưới các mỹ từ "khai hóa văn minh" đến từ phương Tây.Một sáng Chủ nhật cuối năm 1977 cùng nhóm sinh viên Ngữ Văn K22 Tổng hợp Hà Nội vào Thư viện quốc gia Hà Nội, tình cờ tôi gặp bài viết của học giả Phạm Quỳnh đăng trên Tạp chí Nam Phong số 30 tháng 12/1919 (bấy giờ ý kiến của cụ Phạm Quỳnh đã 58 năm bị "đắp chiếu", cấp độ sinh viên không mấy người biết), vì thế càng thôi thúc tôi chép vào sổ tay: “Nguyên bộ tiểu thuyết Tàu mà cụ (Nguyễn Du) phỏng theo để đặt ra truyện Kiều đề là “Thanh Tâm Tài Nhân lục”, không biết rõ tác giả là ai, soạn vào đời nào, nhưng truyện với lời văn cũng tầm thường, ngoài mấy bài từ điệu có vẻ thanh tao lưu loát, không có đặc sắc gì…”.Ngày đó, tôi chép lời vàng ý ngọc của học giả Phạm Quỳnh nhằm cất giữ để mình biết mình hay. Khi viết những dòng trên, học giả Phạm Quỳnh chưa biết ai là tác giả cuốn Kim Vân Kiều truyện, vậy nên càng bái phục con mắt tinh đời của cụ trong nhìn nhận tài năng Nguyễn Du.
Gần đây tôi được xem ý kiến của GS Đổng Văn Thành - Trường đại học Liêu Ninh, Trung Quốc, đánh giá về cuốn Kim Vân Kiều truyện của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân, tôi mới sực nhớ lục lại ý kiến của học giả Phạm Quỳnh lưu giữ trong cuốn sổ tay đã ố vàng, càng tâm phục khẩu phục cái thủ pháp "lạt mềm buộc chặt" thâm thúy của cụ học giả nước Nam, cụ không gay gắt toạc móng heo như đánh giá sau đây của vị GS Trung Quốc:“Cuốn sách của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân bị vùi lấp hàng mấy thế kỷ trong văn học sử Trung Quốc; Từ cuối đời Thanh cho tới những năm 50 của thế kỷ XX, cuốn tiểu thuyết ấy hầu như được ít người biết đến. Trong tất cả các sách về lịch sử tiểu thuyết, lịch sử văn học, kể từ cuốn Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc của Lỗ Tấn đến nay, đều không có đến nửa chữ giới thiệu về nó… Cuốn sách hầu như bị sổ toẹt, từ đó tiếng xấu lan xa trong ngoài nước. Lúc được phát hiện thì đồng thời cũng là lúc dường như bị phán quyết án tử hình. Truyện Kim Vân Kiều khó mà thay đổi được số phận đáng buồn là bị vứt bỏ.
Sau khi người Trung Quốc tự đẩy cuốn tiểu thuyết của mình xuống vực, học giả nước ngoài nghiên cứu văn học Trung Quốc càng không thèm để ý đến nữa… Phải chăng tác giả Trung Quốc Thanh Tâm Tài Nhân - con người “tầm thường”, “không thể cứu chữa”- đã làm hỏng đề tài Vương Thúy Kiều đến nỗi không một chỗ nào coi được, phải hoàn toàn nhờ sự gia công thiên tài của tác giả Việt Nam Nguyễn Du mới biến miếng sắt bỏ đi thành vàng ròng lấp lánh ?...”.Kiệt tác của nhân loại“Có tích mới dịch nên tuồng” là quan niệm dân gian, “tuồng” nói ở đây được hiểu là tác phẩm văn học có nội dung tư tưởng giá trị. Như ta biết, tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du với 3.254 câu lục bát, chẳng những được các thế hệ người Việt đón nhận, mà còn được cả thế giới tôn vinh lên hàng kiệt tác. Tài văn chương của Nguyễn Du làm nên sức sống trường tồn của Truyện Kiều, ngược lại, sức sống trường tồn của Truyện Kiều đã đưa Nguyễn Du lên hàng “Thánh văn” thế giới. Truyện Kiều từng tạo nên “địa chấn văn chương” trong đời sống văn học của một loạt nước châu Âu châu Á như Pháp, Anh, Đức, Tiệp, Ba Lan, Nhật… Bấy giờ “cơn địa chấn Truyện Kiều” từ bên ngoài mới tác động mạnh mẽ vào đời sống văn học Trung Hoa đại lục đang “ngái ngủ”. Tôi dùng từ ngái ngủ là vì cố đô Hàng Châu là nơi phát "tích" đề tài Thúy Kiều, vậy mà mãi đến năm 1965 người dân Hàng Châu và người dân đại lục mới hay, lịch sử văn học Trung Hoa đại lục từng có cuốn Kim Vân Kiều truyện của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân! Nhắc lại điều này để góp phần khẳng định một thực tế: Quan niệm dân gian “có tích dịch nên tuồng” có thể đúng với trường hợp Nguyễn Du và tuyệt tác Truyện Kiều của nước Nam, song lại sai to với hơn nửa tá nhà văn Trung Hoa thời trung đại, cận đại cũng từng khai thác “tích” Thúy Kiều!Khi Nguyễn Du sang Trung Hoa làm nhiệm vụ của một sứ thần, trước và sau đó hàng trăm năm đã có mấy văn nhân Trung Hoa khai thác đề tài Thúy Kiều viết thành sách, gồm Dư Hoài, Đới Sĩ Lâm, Mộng Giác Đạo Nhân, đặc biệt là Từ Văn Trường (bút hiệu Thanh Tâm Tài Nhân). Ông này sống khoảng cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17 triều nhà Thanh, học giỏi biết rộng, quan lộ lận đận, ông cũng chọn đề tài "Thúy Kiều" viết cuốn tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện theo lối chương hồi
. Sau Thanh Tâm Tài Nhân có thêm Diệp Trĩ Phỉ, Hạ Bỉnh Hoành cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ cũng dựa theo “tích” Thúy Kiều viết hai vở kịch, nhưng công diễn được một số buổi thì vắng khách, lỗ vốn, đóng cửa. Vậy là trái khoáy đã xẩy ra tại nơi phát tích Thúy Kiều chứ không xẩy ra tại Việt Nam, vậy là hơn nửa tá tác giả của nước sở tại chỉ làm nên một lượng tác phẩm hùng hậu để rồi cả tác phẩm cùng tên tuổi tác giả nhanh chóng bị thời gian nhấn chìm trong quên lãng. Điều đó cắt nghĩa của “hiếm” chưa hẳn là của quý, bởi cuốn sách Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân sau khi ra đời đã bị người dân Trung Hoa sống dưới triều Minh vứt bỏ, nó không hề xuất hiện tại Việt Nam, nó “hiếm” tới mức các nhà Kiều học nước Nam không hề có một nguyên bản để tham chiếu, để rút ra, để (dẫu cụ Nguyễn Du không muốn) thì chúng ta cũng cứ thử cân đong để biết cái Tâm cái Tài của cụ Nguyễn Du, Việt Nam, lớn gấp bao nhiêu lần so với Tâm, Tài của hơn nửa tá tác giả người bản địa cùng khai thác “tích” cùng viết về đề tài Thúy Kiều.Đến nay giới Kiều học nước ta vẫn chưa biết trong thời gian đi sứ Trung Quốc, “Thánh văn” nước Nam bằng cách nào đã khai quật được cuốn sách “cực hiếm” của Thanh Tâm Tài Nhân? Hơn thế, vị sứ giả tài ba của nước Nam đã lao tâm khổ tứ nhường nào mới tạo nên điều kỳ diệu: Phù phép cho “bộ hài cốt” Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân hóa kiếp thành tuyệt tác Truyện Kiều madein Việt Nam. Khoảng 150 năm sau giới Kiều học nước ta mới phân chia 3254 câu lục bát của khối vàng ròng lấp lánh ấy thành các tiểu đề: Kiều thăm mộ Đạm Tiên từ câu 1-244; Kiều gặp Kim Trọng (245-572); Kiều bán mình chuộc cha (573 -804); Kiều rơi vào tay Tú Bà và Mã Giám Sinh (805-1056);Kiều mắc lừa Sở Khanh (1057-1274); Kiều gặp Thúc Sinh (1275-1472); Kiều và Hoạn Thư (1473 --2028); Kiều gặp Từ Hải (2029-2288);Kiều báo thù (2289-2418); Từ Hải mắc lừa Hồ Tôn Hiến, Kiều tự vẫn (2419-2738); Kim Trọng đi tìm Kiều (2739-2972); Kim-Kiều tái hợp (2973-3254).Tham chiếu ý kiến các vị học giả của nước ta và của nước người, từ đó càng tâm phục khẩu phục tổ chức UNESCO với con mắt tinh đời đã đãi cát tìm vàng, mò kim đáy biển, năm 1965 tôn vinh Đại thi hào Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới.Như đã nói, cũng tích Vương Thúy Kiều, vào tay hơn nửa tá người bản địa thì chỉ làm ra miếng sắt bỏ đi, chỉ khi vào tay “siêu nghệ nhân” là cụ Nguyễn Tiên Điền quê xứ Nghệ thì mới thành khối vàng ròng lấp lánh. Điều đặc biệt nữa là các sách của nước sở tại viết về tích “Thúy Kiều” đều không có phần Kim-Kiều tái hợp, chỉ cụ Nguyễn Du nhà ta mới sáng tạo nên cái kết có hậu độc đáo, về sau giới Kiều học nước ta phải mất nhiều chục năm, tốn rất nhiều giấy mực phân tích mổ xẻ, hầu hết ý kiến coi phần kết Kim-Kiều tái hợp là sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời của Thánh văn Nguyễn Du nhằm khẳng định tính tất yếu của luật nhân quả-một luận thuyết của nhà Phật đã rễ sâu gốc vững trong tâm thức các thế hệ người Việt từ buổi đầu bình minh dựng nước. Các ý kiến đều đúng khi nói rằng thuyết nhân-quả là tư tưởng chủ đạo trong tác phẩm Truyện Kiều, nói cách khác, luận thuyết nhân-quả của nhà Phật lần đầu tiên được tác giả Truyện Kiều kế thừa tiếp biến, sáng tạo đưa vào tác phẩm văn học một cách trọn vẹn.Nhà văn hóa Trần Trọng Kim cho rằng, Nguyễn Du ứng dụng lý thuyết nhân-quả với quan niệm nhân nào quả ấy, hết quả này lại đeo cái nhân đã gây nên mà có cái quả khác. Nhân tốt thì quả tốt, nhân xấu thì quả xấu, cứ luân chuyển mãi như thế trong cõi hồng trần… Theo cái lý thuyết ấy thì phúc hay họa là ở tự mình gây ra cho mình… Làm việc thiện hay việc ác, trước hết mình phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những việc ấy.Không một tác phẩm văn học nào của nước ta với sự lý giải về nhân-quả, tài-mệnh, trời-người, ác giả ác báo… lại được người đọc đồng thuận cao như tuyệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du. Quan niệm “nhân nào quả nấy” như một tất yếu trong suy nghĩ tình cảm của các thế hệ người Việt, nó được thể hiện qua văn hóa ứng xử thường ngày. Những phụ nữ Việt Nam như bà tôi, mẹ tôi-những người đến già chưa một ngày ngồi trên ghế nhà trường, vẫn thuộc lòng hằng trăm câu Kiều để ru con ru cháu.
Gặp thiên tai địch họa thì những câu Kiều hóa thành “quẻ”, tác giả Nguyễn Du hóa "Thánh Kiều" để giúp cho bà tôi, mẹ tôi cầu được mưa thuận gió hòa, tai qua nạn khỏi, cầu cho con cháu không ngừng hoàn thiện bản thân bằng con đường tu tâm tích đức. Đồng cảm với tác phẩm Truyện Kiều, dân vùng bãi ngang xứ Nghệ đều “tin trời có mắt” để phù hộ những người tự giác tu tâm tích đức, lấy chữ Hiếu chữ Đức làm đầu.
Hiện tượng tâm lý, tình cảm của đông đảo các tầng lớp nhân dân là bằng chứng để khẳng định, trong dòng chảy lịch sử ngàn năm văn học viết nước Nam, Truyện Kiều là tác phẩm có sức sống mạnh liệt nhất, gần gũi nhất với người đọc cả về tư tưởng tình cảm, cả về giá trị nghệ thuật, gần gũi tới mức người Việt Nam coi Truyện Kiều là đỉnh cao của cổ tích dân gian viết bằng thể lục bát truyền thống.
Nhà vua được tin Thánh thơ mất đã vô cùng thương xót, ban tên thuỵ là "Trung Thanh", phúng điếu tiền bạc và đôi câu đối: Nhất đại tài hoa, vi sứ, vi khanh sinh bất thiểm/ Bách niên sự nghiệp, tại gia, tại quốc tự do hương (Một kiếp tài hoa khi làm sứ, lúc làm khanh sống không hổ thẹn/ Trăm năm sự nghiệp việc nhà, việc nước chết vẫn còn thơm). |