Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỷ niệm 240 năm ngày sinh và 160 năm ngày mất Nguyễn Công Trứ

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 15/12, tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức kỷ niệm 240 năm ngày sinh (1778 - 2018) và 160 năm ngày mất (1858 - 2018) Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ và đón nhận danh hiệu huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới.

Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; đại diện các bộ, ban ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành trong cả nước, đại diện dòng họ Nguyễn Công và đông đảo nhân dân Hà Tĩnh.
Chương trình nghệ thuật với chủ đề "Nguyễn Công Trứ làm cây thông đứng giữa trời mà reo". (Ảnh: Công Tường/TTXVN)
Nguyễn Công Trứ quê gốc là huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) nhưng sinh ra ở huyện Quỳnh Côi (Thái Bình).
Lớn lên trong gia đình có truyền thống hiếu học, Nguyễn Công Trứ sớm tiếp xúc nhiều nhà nho, kẻ sỹ ở các địa phương và được tiếp thu những bài học không chỉ về chữ nghĩa, văn chương, truyền thống nho giáo, mà còn về kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội.
Với khí phách của kẻ sỹ, Nguyễn Công Trứ từng xác định: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông.”
Bởi vậy, trong gần 30 năm làm quan, Nguyễn Công Trứ để lại dấu ấn sâu đậm trên nhiều lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật. Trải qua không ít những thăng trầm trong cuộc đời, nhưng lịch sử luôn ghi nhận ông là một nhà quân sự, một nhà kinh tế kiệt xuất.
Ông là người có công lớn giúp triều đình nhà Nguyễn ổn định đất nước, đưa ra nhiều chính sách phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt có sáng kiến chiêu mộ dân binh lưu tán, đắp đê lấn biển, khai hoang lập ấp, biến vùng đất vốn ngập mặn, nghèo đói, lập nên các huyện Kim Sơn (Ninh Bình), huyện Tiền Hải (Thái Bình).
Khi đảm trách việc quan ở miền Tây Nam đất nước, ông lại hợp sức với quan quân, dân chúng địa phương, đào kênh rạch, làm thủy lợi dẫn nguồn nước ngọt Cửu Long về đồng ruộng.
Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ lưu danh hậu thế bằng sự nghiệp văn chương đặc sắc, giàu giá trị nhân văn. Ông là người đã có công làm cho hát nói trở thành một thể thơ hoàn chỉnh, mở ra thời kỳ hưng thịnh cho nghệ thuật hát nói - ca Trù của dân tộc Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: Phát huy truyền thống quê hương đất nước cùng với sự quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân, tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả quan trọng.
Trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 20,8%; thu ngân sách 12.300 tỷ đồng, tăng 37,7% so với năm 2017; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 51 triệu đồng/năm; chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, văn hóa xã hội có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân không ngừng nâng lên.
Đặc biệt, trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới Hà Tĩnh đã có những cách làm sáng tạo là một trong những tỉnh tốp đầu của cả nước về xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, Hà Tĩnh đã có 139 xã, chiếm 61% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó quê hương Nghi Xuân của Đại thi hào Nguyễn Du và Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ đã có 17/17 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Toàn huyện Nghi Xuân hiện có 148/148 thôn của 17 xã đã xây dựng phương án triển khai khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài 10 tiêu chí xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh, Nghi Xuân còn có thêm tiêu chí thứ 11, đó là mỗi thôn có ít nhất 1 câu lạc bộ văn nghệ dân gian hoạt động có hiệu quả.
Với những kết quả đó, Thủ tướng Chính đã công nhận huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.
Trước đó, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu đã đến dâng hương tại đền thờ và khu mộ Nguyễn Công Trứ tại huyện Nghi Xuân.