Dưới đây là chuyện của một phố phường Hà Nội có 29 vị tướng và 16 anh hùng...
Đất nước ta đã trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, từ chống thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ, rồi đến chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam chống quân Khmer Đỏ (Campuchia).
Năm 1979, chúng ta lại tiếp tục trải qua cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc khỏi sự bành trướng bá quyền của Trung Quốc. Thời gian mấy chục năm cộng lại, biết bao cán bộ, chiến sĩ phải cầm súng chiến đấu và sự hy sinh là vô cùng lớn. Chỉ nội một phường như Khương Mai (quận Thanh Xuân) đã có tới trên 1.900 hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB).
|
Trung đoàn trưởng Nguyễn Như Hoạt (người đội mũ sắt) đang báo cáo với Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh khi Đoàn đi Lạng Sơn kiểm tra tình hình biên giới. Ảnh tư liệu |
Trung tướng Nguyễn Như Hoạt, AHLLVTND, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân khu Thủ đô, nguyên phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 1, là một trong các vị tướng về nghỉ tại địa phương này.
Với sự khiêm nhường vốn có nhưng cũng rất đỗi tự hào, ông đã cho tôi biết một điều mà bản thân tôi từng sống nơi này 27 năm cũng không hề biết: "Tại phường Khương Mai chúng ta, đã có 26 vị tướng và cũng có 16 cán bộ, chiến sỹ được phong Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND), hiện là hội viên CCB của phường”.
Ngay như ở con ngõ nhỏ nhà tôi (phố Nguyễn Ngọc Nại) đã có đến 2 AH LLVTND. Họ ở cạnh nhà nhau, cùng sinh năm 1950, cùng nhập ngũ khi mới 17 tuổi, cùng là thương binh, cùng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, cùng từng là đại biểu Quốc hội, cùng từng là Phó Tư lệnh Quân khu 1 và đều mang hàm Trung tướng. Nay họ sinh hoạt trong chi hội CCB với tôi. Đó là Trung tướng Nguyễn Như Hoạt và Trung tướng Dương Công Sửu.
Trung tướng Nguyễn Như Hoạt là một nhân vật rất đặc biệt trong chiến tranh chống Mỹ. Ông quê ở Bắc Ninh, là chiến sĩ liên lạc đại đội thuộc Sư đoàn 320 và tham gia Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh.
Ngày đó, tình hình nguy cấp, chỉ huy đơn vị không còn ai sống sót, một số đồng chí bị thương nặng không thể chiến đấu được, anh chiến sĩ liên lạc Nguyễn Như Hoạt khi ấy đã tự rút được một số kinh nghiệm khi có dịp ở gần phục vụ chỉ huy, đã biết được phương án tác chiến của đơn vị... trở nên vị chỉ huy tài giỏi. Anh được cấp trên giao chỉ huy một mũi tiến công địch.
Trong cả đợt chiến đấu, bản thân anh đã hoàn thành nhiệm vụ liên lạc cho đơn vị và trực tiếp chiến đấu, tiêu diệt 37 lính Mỹ. Khi chỉ huy bị hy sinh, anh đã đứng lên tiếp tục chỉ huy đơn vị, giữ vững trận địa và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao. Từ một chiến sĩ liên lạc, anh được đề bạt thẳng lên trung đội trưởng. Đại đội của anh và bản thân anh đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương AH LLVTND năm 1970.
44 năm trong quân ngũ, Trung tướng Nguyễn Như Hoạt từng được bổ nhiệm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 Anh hùng (Đoàn Sao Vàng) thuộc Quân đoàn 14 bảo vệ mảnh đất Lạng Sơn, rồi Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 1 và Tư lệnh Quân khu Thủ đô, sau này được giao trọng trách Giám đốc Học viện Quốc phòng… Ông đã được trao tặng rất nhiều huân, huy chương cao quý.
Còn Trung tướng Dương Công Sửu (dân tộc Tày, Lạng Sơn) lại là một người lính đặc công với nhiều danh hiệu Dũng sỹ diệt bộ binh. Có người cùng đơn vị ông năm xưa đã nói vui với tôi rằng, muốn chứa hết số huân, huy chương chiến công và các danh hiệu khác của tướng Sửu, chắc phải dùng một chiếc vỏ hộp sữa loại 1 ký mà đựng thì mới hết. Ông được phong danh hiệu AHLLVTND năm 1973 khi mới 23 tuổi lúc đang giữ cương vị Tiểu đoàn trưởng đặc công, Sư đoàn 7 bộ binh.
Chiến tranh chống Mỹ kết thúc, ông Sửu được cử đi đào tạo tại các trường sĩ quan, học viện quân sự rồi về Bộ Tư lệnh Đặc công làm trung đoàn trưởng Trung đoàn 198. Tính cho đến năm 2011, ông đã có 20 năm trấn ải biên cương với 10 năm giữ chức Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn, 10 năm với cương vị Phó Tư lệnh Quân khu 1 rồi nghỉ hưu.
Hội CCB phường Khương Mai hiện có 16 AHLLVTND, trong đó còn có những anh hùng nổi tiếng trận mạc như Trung tướng Phạm Phú Thái, một phi công huyền thoại trong chiến tranh chống Mỹ; Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt (bộ đội tên lửa, từng chỉ huy tiểu đoàn bắn rơi 2 máy bay B52 chỉ trong 10 phút); Trung tướng phi công Phạm Tuân (người từng bắn rơi máy bay B52 và sau này bay vào vũ trụ); Thiếu tướng Mai Văn Cương (bắn rơi những 8 máy bay Mỹ)…
Tôi đã tìm gặp Thiếu tướng Nguyễn Khắc Viện, nguyên Sư trưởng 347, Quân đoàn 14, nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 26, nguyên Hiệu trưởng Trường Sỹ quan Lục quân 1 để viết bài. Ông là người từng trực tiếp tham gia chỉ huy chiến đấu tại Lạng Sơn ngay sau sự kiện Trung Quốc phát động chiến tranh biên giới (17/2/1979) đúng một tuần và tiếp đó ở Cao Bằng. Thế nhưng, do sức khoẻ ông gần đây không tốt, nên rất tiếc, tôi không thể khai thác tư liệu kịp ở vị tướng giàu kinh nghiệm trận mạc ấy.
Chi hội CCB nơi Tướng Viện sinh hoạt, tuy chỉ có 73 hội viên nhưng lại có đến 8 vị tướng từng xông pha trận mạc một thời. Họ đều là những vị tướng luôn giữ vững phẩm chất của người lính Cụ Hồ, được dân yêu mến, cảm phục.
Như vậy cũng có thể nói, do cuộc chiến tranh đã kéo dài nhiều năm trên đất nước ta, chuyện “ra ngõ gặp Anh hùng”, “ra ngõ gặp tướng” như tôi vừa kể thực ra cũng rất dễ hiểu và rất đời thường. Nay, khi hòa bình thực sự đã trở lại được 30 năm, chúng ta sẽ vô cùng thiếu sót nếu không nhắc đến họ, tri ân họ...
Kể từ năm 1979, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, ngoài sự kiện ngày 17/2/1979, còn xảy ra ít nhất 6 cuộc đụng độ lớn nữa ở một số địa phương tuy không phải toàn tuyến biên giới cùng lúc. Đó là các cuộc vào tháng 7/1980, tháng 5/1981, tháng 4/1983, tháng 4/1984, tháng 6/1985 và tháng 12/1986 nhưng kéo dài đến tháng 1/1987. Đến năm 1990, cuộc chiến mới thực sự kết thúc rồi bình thường hóa quan hệ 2 nước từ 1991. Tất cả đều do phía Trung Quốc gây chiến. Họ không muốn nước Việt Nam được yên ổn trong hòa bình nên dùng mọi thủ đoạn khiêu khích “muốn dạy cho Việt Nam một bài học”, hoặc có kế hoạch nhằm đạt các mục tiêu chính sách đối ngoại nham hiểm buộc ta phải quy phục họ. Họ trợ giúp lực lượng Khmer Đỏ (Campuchia) ở biên giới Tây Nam đánh phá chúng ta cũng là vậy. |