Phát biểu chào mừng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh ngày 25/11/1971, Đan Mạch là nước Tây Âu thứ 3 (sau Thụy Điển và Thụy Sĩ) công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiền thân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Vào thời điểm đó, dân tộc Việt Nam vẫn đang trong cuộc đấu tranh anh dũng, gian khổ vì nền độc lập và sự thống nhất của Tổ quốc. Hàng triệu người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có nhân dân Đan Mạch đã ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Việt Nam sẽ mãi ghi nhớ sự ủng hộ quý báu này của Chính phủ và nhân dân Đan Mạch, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh. Trải qua bốn thập kỷ với bao thăng trầm của lịch sử, quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Đan Mạch đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng vun đắp, củng cố và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển, đến văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ. Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng và cảm ơn Chính phủ và nhân dân Đan Mạch đã liên tục dành cho Việt Nam nguồn ODA quan trọng, hiệu quả, giúp Việt Nam tái thiết sau chiến tranh, cũng như phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Đan Mạch đang dần trở thành một đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Bắc Âu và trong EU. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Đan Mạch đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam nhất quán coi trọng và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Đan Mạch đầu tư, kinh doanh ổn định lâu dài và hiệu quả tại Việt Nam. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Đầu tư Đan Mạch Bà Pia Olsen Dyhr bày tỏ vinh dự và tự hào khi được tham gia kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đan Mạch. Đan Mạch đã trở thành một trong những nước đầu tiên đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Hiện có nhiều người Việt Nam đã chọn Đan Mạch là điểm đến du lịch hoặc sinh sống và ngược lại, và các nhà nghiên cứu và các cơ quan nhà nước trao đổi với nhau kinh nghiệm và những bài học thực tiễn thành công, trong khi các doanh nhân tiên tiến và giàu nhiệt huyết đang tìm kiếm những phương thức mới để mở rộng quan hệ thương mại giữa hai nước. Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội, Bà Pia Olsen Dyhr cho rằng Việt Nam là một phần quan trọng của nền kinh tế châu Á nhưng đồng thời Việt Nam cũng đang đứng trước một bước ngoặt quyết định về phát tiển kinh tế. Để duy trì được sự phát triển bền vững và mức tăng trưởng ổn định, Việt Nam cần đầu tư đáng kể vào những lĩnh vực như sử dụng năng lượng hiệu quả và công nghệ sạch kỹ thuật cao, giáo dục và cơ sở hạ tầng. Bộ trưởng Bộ Thương mại và Đầu tư Đan Mạch, Pia Olsen Dyhr tin tưởng, khi hai nước chuyển đổi từ viện trợ sang giao thương, mối quan hệ giữa nhân dân hai nước sẽ phát triển thành quan hệ cộng tác mới, dần dần giảm bớt hỗ trợ phát triển của Đan Mạch và tăng thêm quan hệ thương mại và các quan hệ khác giữa hai nước. Trong quan hệ hai nước sẽ có những cơ hội chưa từng có về đầu tư, thương mại, cải tiến và tiếp cận với tăng trưởng xanh và thúc đẩy sự hợp tác của hai nước thành quan hệ đối tác mới cho thế kỷ 21. Cùng ngày, tại Làng trẻ Birla (Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam), Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik đã đến thăm và tặng đồ chơi lắp ráp Lego cho các trẻ em thiệt thòi ở làng trẻ mồ côi Birla-Hà Nội. Đây là một trong những hoạt động của chuỗi sự kiện kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Đan Mạch./.