Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh: Con đường đẹp nhất của tuổi trẻ

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/5, Ban Liên lạc Cục Tham mưu Công binh 559 bộ đội Trường Sơn tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2019), 52 năm Ngày thành lập Cục Tham mưu Công binh 559 (7/1967 – 7/2019). Những người bộ đội Trường Sơn năm xưa đã gặp nhau, ôn lại vô vàn cảm xúc khó phai mờ về con đường đẹp nhất của tuổi trẻ.

 Hình ảnh những chiến sĩ bộ đội Trường Sơn lạc quan khi tham gia mở đường. Ảnh tư liệu
Khói lửa, đau thương mà thi vị

Buổi gặp mặt của bộ đội Trường Sơn diễn ra tại Bộ Tư lệnh Công binh vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh. Trước buổi lễ gặp mặt, các cựu bộ đội Trường Sơn trong những bộ quần áo sờn rách, tóc đã bạc dành cho nhau những lời hỏi han thân mật và những cái bắt tay, cái ôm đầy tình cảm. 60 năm trước, bộ đội Trường Sơn gặp nhau khi tóc còn xanh, giờ đây họ lại có dịp gặp nhau nhưng là khi đã già yếu, sức trẻ của họ đã dành trọn ở chiến trường. Đối với bộ đội Trường Sơn những con đường đẹp nhất của tuổi trẻ là con đường ra trận. Dù ngày ngày nộp "thuế máu" cho muỗi, vắt, nộp màu da trai trẻ cho sốt rét rừng và oằn mình dưới mưa bom bão đạn quân thù, luôn cận kề cái chết nhưng bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến vẫn háo hức, chấp nhận gian khổ, hy sinh. Dù có chết chóc, đau thương mà không hề yếu mềm, bi lụy. Họ vào chiến trường mà “tiếng hát át tiếng bom”, lòng “vui như trẩy hội”, háo hức nhiệt thành: “Mày lên đường hôm trước/Tao ra đi hôm sau/Trường Sơn gánh cả nước/Hai đứa mình đuổi nhau”.
16 năm thực hiện nhiệm vụ chiến lược chi viện cho các hướng chiến trường, lực lượng cầu đường của Bộ đội Trường Sơn với 4 sư đoàn công binh và 1 vạn Thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến đã kiên cường bám trụ, giành giật từng thước đường. Bộ đội công binh Trường Sơn đã làm nên một hệ thống giao thông vĩ đại gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang với hơn 17.000km đường xe cơ giới.

Đến buổi gặp mặt, cựu chiến binh Nguyễn Văn Ngát – Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 98 mang trên áo nhiều huân, huy chương. Tuy nhiên, vật luôn được ông để bên mình hàng chục năm nay chính là chiếc hộp sắt được cắt từ vỏ một chiếc máy bay của quân đội Mỹ bị đánh rơi. Ông làm chiếc hộp ấy, với hình ảnh 2 cánh chim bồ câu vào dịp Xuân 1968 với dòng chữ “Mấy Xuân nữa…”. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Ngát kể: “Đơn vị của tôi là đơn vị đầu tiên bổ nhát cuốc để mở đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Với tâm nguyện vì miền Nam ruột thịt, bộ đội công binh khi đó làm việc 16 – 17 tiếng/ngày. Bộ đội chỉ dùng những vật dụng rất thô sơ, có xẻng dùng xẻng, có cuốc dùng cuốc, không có gì thì dùng tay không. Dẫu nắng hay mưa, bom đạn ác liệt thế nào, chất độc da cam ra sao, bộ đội Trường Sơn luôn tiến lên với ý chí tim còn đập là đường phải thông”.

“Trường Sơn 6 tháng nắng, 6 tháng mưa, anh em tôi có những tháng ăn củ mài, hái rau tàu bay, măng để ăn. Máy bay thả chất độc da cam thì đổ nước ra khăn để bịt miệng, không có thì đi tiểu ra khăn. Chúng tôi cứ thế tiến lên, thẳng về miền Nam với quyết tâm 1 mét đường là 1 quân thù, chỉ trong 2 tháng đã mở được 100km đường” – cựu chiến binh Nguyễn Văn Ngát nhớ lại.

Phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ

Trong các câu chuyện những người bộ đội trường Sơn nói với nhau họ đều nhớ về những người đồng đội đã hy sinh, mãi mãi không thể trở về. Đại tá chiến sĩ Đặng Văn Phúc – Trưởng Ban liên lạc Bộ đội Công binh Trường Sơn chia sẻ: “16 năm ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, giặc Mỹ đã thực hiện 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay, trút xuống Trường Sơn hơn 4 triệu tấn bom đạn các loại - bằng tổng số bom đạn sử dụng trong chiến tranh Thế giới lần thứ 2 và chiếm 50% tổng số bom đạn mà đế quốc Mỹ đã sử dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Hơn 13.000 chiến sĩ đã không thể trở về với đất mẹ”.

Cựu chiến binh Nghiêm Viết Báo - Hội Trường Sơn huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh cho hay: Ngày nay trong thời bình, hội viên Hội Trường Sơn hầu hết là già yếu nhưng họ vẫn phát huy truyền thống và phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ năm xưa, chủ yếu chỉ thể hiện bằng quan điểm, lập trường tư tưởng, bằng niềm tin vào Đảng, thể hiện qua tác phong, lối sống làm gương trong gia đình và xã hội. Và Trường Sơn, người lính Trường Sơn, những người viết huyền thoại, Hội truyền thống Trường Sơn sẽ còn mãi, không chỉ trong quá khứ mà còn trong niềm tin, khát vọng của tương lai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần