Nhập tuyến trong “mưa bom, bão đạn”
“Hỡi người con gái đang dãi dầu mưa nắng Trường Sơn
Tuổi xuân em phơi phới năm xưa đi mở đường
Chỉ nghe tiếng hát, chỉ nghe có tiếng hát mà đem lòng yêu thương…”
Đó là những giai điệu của bài hát “Em ở nơi đâu…” chúng tôi nghe được khi đến trò chuyện cùng Đại tá Lê Xuân Trường (SN 1933, nguyên Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Cục Chính trị, Đoàn 559).
Bước sang tuổi 87 nhưng Đại tá Lê Xuân Trường vẫn nhớ như in những câu chuyện khi lật lại ký ức xưa về những người mở đường, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước ở “tuyến lửa”. Hồi ấy, vào năm 1969, ông được cấp trên điều động cùng Đoàn 559 dẫn 25 cán bộ, chiến sĩ, chủ yếu là nữ, cấp dưỡng, y sỹ nhập tuyến (đường Trường Sơn) để kiểm tra để nắm tình hình. Khi đó, ông có nhiệm vụ chịu trách nhiệm về công tác cán bộ, nắm bắt tình hình về nhân sự, tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, khả năng nhiệm vụ từng người để tham mưu giúp lãnh đạo cơ quan bổ nhiệm. Nhờ gắn với nhiệm vụ chuyên môn, ông được mệnh danh là người có trí nhớ khá tốt. Giờ tuổi cao sức yếu, ông cũng không nhớ hết được những đau thương của biết bao anh hùng, liệt sĩ nằm xuống ở mỗi cung đường Trường Sơn.
Khi ấy, đoàn ở ngoài Bắc nhập tuyến vào cuối mùa mưa, phải trèo đèo, lội suối, tránh những vùng trọng điểm, gian nan, vất vả lắm! Quá trình di chuyển, đoàn phải vượt qua những con suối chảy siết, nguy hiểm vô cùng! Các chiến sĩ vừa đu dây vừa vượt suối sang bên kia bờ những vẫn phải đảm bảo an toàn cho những chiếc ba lô chứa lương thực thực phẩm, đạn trên vai… “Lúc đó, đường đi nguy hiểm như đánh giặc ở trận địa”, Đại tá Trường nhớ lại.
Trong quá trình nhập tuyến, máy bay địch đánh tàn phá vô cùng ác liệt. Nhiều lúc, máy bay thả bom, muốn tiêu diệt cả đoàn. Có lúc, đoàn bố trí địa điểm nghỉ ngơi nhưng sau khi quan sát khu rừng, địa điểm thấy không có lợi, có dấu hiệu bị lộ… cả đoàn di chuyển đến nơi khác. Nhờ nhiều năm chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ nên ông đúc rút thêm nhiều kinh nghiệm bắn, tránh máy bay, biết máy bay hoạt động như thế nào. Sau một tuần dầm mình dưới mưa rừng, rượt qua những trận “mưa bom, bão đạn”, đoàn đã vào đến nơi một cách an toàn.
Những nữ chiến sĩ với con đường huyền thoại
Lần giở lại trong ký ức khi nhớ về con đường huyền thoại, Đại tá Lê Xuân Trường chia sẻ, vất vả nhất khi chiến sĩ của ta mở con đường xe con (đường tránh, đường kín) để đảm bảo vận tải kín đáo, bí mật, thông suốt, nhất là vận chuyển cán bộ, thương bệnh binh, các khí tài đặc biệt... “Mà dứt khoát phải mở con đường này thì công tác vận chuyển mới an toàn”, Đại tá Trường nhắc lại. Rồi ông giải thích, đường kín nghĩa là có thể đi được cả ban ngày và ban đêm. Con đường bí mật này được mở có kích thước chỉ đủ chiếc xe con đi qua, dọc qua sông, suối.
“Hồi ấy, Trung đoàn 6 có 2/3 là chiến sĩ nữ. Công việc mở đường, vất vả lắm! Những nữ chiến sĩ phải ăn bờ, ở bụi, thực phẩm thì thiếu, nhưng công việc mở đường của nữ chiến sĩ không kể ngày, kể đêm, kể giờ. Tất cả quyết tâm ý chí, mong nhanh thông đường để quân ta được vận chuyển an toàn. Tất cả quyết tâm mở đường với tinh thần dũng cảm, trách nhiệm, chấp nhận hy sinh, gian khổ để mong đến ngày chiến thắng”, Đại tá Trường kể lại.
Trong câu chuyện của người bộ đội trường Sơn nói với nhau, họ đều nhớ về những người đồng đội đã hy sinh, mãi mãi không thể trở về. Bỗng chốc, Đại tá Trường ngập ngừng trong giây lát khi nhớ lại những hình ảnh chiến sỹ, đồng đội đã nằm lại trên những chiến hào. Họ nằm xuống khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, để làm nên con đường huyền thoại… Hình ảnh ấy như tiếp thêm sức sống, thêm niềm tin, quyết tâm để ngày mai quyết thắng.