Kỷ niệm 67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2021): Bài học phát huy sức mạnh toàn dân tộc

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 67 năm đã trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 -7/5/2021) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, bài học từ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong chiến dịch lịch sử này vẫn luôn tươi mới và được chắt lọc, vận dụng sáng tạo trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Chiều 7/5/1954, lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát, Điện Biên hoàn toàn giải phóng. Ảnh: Tư liệu
Sự kiện mang tầm vóc thời đại
67 năm chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống thay đổi, nhưng ký ức về trận đánh Điện Biên Phủ hào hùng năm xưa chưa bao giờ phai trong tâm trí những người đã đi qua lịch sử. Hiện những chứng tích, dấu ấn của cuộc chiến cam go, ác liệt nhất trong lịch sử vẫn được lưu giữ một cách sống động tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Toàn bộ hiện vật trưng bày trong bảo tàng gắn với những sự kiện liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó điểm nhấn là “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”.

Như các tướng lĩnh và các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự đã chỉ ra, sự thay đổi kế hoạch từ đánh vào những điểm yếu sang đánh vào nơi mạnh nhất của địch, khi mà Pháp tập trung quân lực mạnh nhất vào Điện Biên Phủ là sự thay đổi quyết định nhanh nhất của Đảng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam) là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao toàn quyền quyết định trong trận đánh. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đại tướng trước khi ra trận: Phải chắc thắng mới đánh, vì tất cả quân lực của ta đã dồn vào trận đánh này. Từ lời căn dặn đó, Đại tướng đã quyết định chuyển phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc” để tiêu diệt và làm suy yếu dần đối phương, đồng thời giảm thương vong ở mức thấp nhất cho bộ đội. Chính vì vậy, trải qua 3 đợt tấn công liên tục bắt đầu từ 13/3, sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, kiên cường, đến ngày 7/5/1954, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp lúc bấy giờ - một “pháo đài bất khả xâm phạm”. Đây là một trong những trận chiến hiếm hoi của Chiến tranh Đông Dương mà đến hôm nay, dư âm và dấu ấn của Chiến thắng Điện Biên Phủ, vẫn còn vang vọng ở nhiều nơi trên thế giới, trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, quân sự đến ngoại giao, văn hóa.

Sức mạnh lòng dân

Lịch sử dân tộc Việt Nam vẫn tiếp tục đi lên trên những hành trình mới và từ cánh đồng Mường Thanh lịch sử, bài học của thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay. Một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ chính là phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, ở thế trận lòng dân cùng một tinh thần quyết chiến đến cùng để quyết thắng. Cùng với đó, là sự nhạy bén nắm bắt tình hình, sớm phát hiện và nhận thức thời cơ, quyết đoán, sáng tạo trong thay đổi chủ trương, phương châm cho phù hợp với thực tế nhằm đạt kết quả cao nhất, giành thắng lợi cuối cùng...

Như những con số đã được thống kê, tính cả trước và trong chiến dịch, có tới 62.000 dân công, thanh niên xung phong tham gia làm và sửa chữa hàng trăm kilomet đường, nhiều bến, cầu; vận chuyển hơn 25.000 tấn lương thực, thực phẩm, hàng nghìn tấn vũ khí trang bị, đạn dược tới mặt trận… Khi đó, chỉ bằng sức người, bộ đội đã kéo những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn qua núi cao. Bộ đội và dân công đã sử dụng hơn 21.000 chiếc xe đạp thồ, được gọi với tên là “binh chủng xe đạp thồ” hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500km. Đội quân xe đạp thồ xuất hiện ở Điện Biên là một sự kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử.

PSG.TS Nguyễn Mạnh Hà (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) cho rằng, tinh thần của một Điện Biên Phủ anh hùng 67 năm trước giờ đây vẫn hiện hữu. Trong đó, việc phát huy tinh thần đại đoàn kết, “thế trận lòng dân” trong đẩy lùi dịch bệnh Covid -19 đang được thể hiện rất rõ trong sự phối hợp nhịp nhàng cùng tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và người dân. Qua đó, đã tạo nên sức mạnh kiên cường trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” này. Rất nhiều phong trào, tấm gương của tập thể, cộng đồng và cá nhân đáng quý đã xuất hiện như chung sức, đồng lòng, giúp nhau vượt qua khó khăn, tình nguyện tham gia vào tuyến đầu chống dịch… tạo nên “thế trận lòng dân” vững chắc. Có thể nói rằng, bài học về phát huy cao nhất sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân đang ngày càng có ý nghĩa quan trọng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trong xây dựng đất nước hùng cường, chiến thắng những khó khăn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần