Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đẩy mạnh tiêm phòng vaccine cho động vật. Ảnh: Phương Nga |
Từ đầu năm tới nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên động vật diễn biến khá phức tạp. Trong khi dịch tả lợn châu Phi chưa được kiểm soát thì lại xuất hiện thêm dịch cúm gia cầm. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, 6 tháng đầu năm, toàn TP có 14 hộ chăn nuôi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, 7 ổ dịch cúm gia cầm. Ngoài ra, còn có các bệnh thông thường như tụ huyết trùng, phó thương hàn, tiêu chảy… diễn ra với tính chất lẻ tẻ. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, dịch bệnh đã sớm được kiểm soát.
Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, với quyết tâm không để dịch chồng dịch, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được khống chế, từ đầu năm tới nay, Chi cục đã duy trì nghiêm chế độ trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin tình hình dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Đặc biệt, tiếp nhận và xử lý thông tin ứng phó nhanh tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi; kiểm tra, hướng dẫn đôn đốc hệ thống thú y cơ sở giám sát dịch bệnh chặt chẽ đến tận hộ chăn nuôi trên địa bàn. Qua đó đã thông tin báo cáo, điều tra, xác minh và xử lý kịp thời khi có ổ dịch xảy ra.
Đối với công tác phun tiêu độc khử trùng, Chi cục đã cấp 153.530 lít hóa chất, tổng diện tích phun vệ sinh, khử trùng tiêu độc là 237.416.430m2. Cùng với đó, một trong những giải pháp quan trọng được Chi cục Chăn nuôi và Thú y đẩy mạnh là tăng tỷ lệ tiêm phòng vaccine cho vật nuôi.
Lấy lại đà tăng trưởng
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đánh giá, mặc dù gặp nhiều khó khăn song 6 tháng đầu năm 2020, ngành chăn nuôi và thú y Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, tình hình dịch bệnh trên động vật cơ bản ổn định. Tổng đàn gia súc, gia cầm tăng, trong đó đàn gia cầm đạt 36 triệu con (tăng 12,5% so với cùng kỳ 2019), sản lượng trứng gia cầm đạt 540.000 quả, tăng 19,47%, đàn trâu bò 153.000 con… Công tác tái đàn lợn được đẩy mạnh, hiện đàn lợn của TP đã đạt 1,3 triệu con.
Năm 2020, ngành chăn nuôi phấn đấu tăng trưởng trên 7,47% để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp TP (trên 4,12%). Trong bối cảnh bộn bề khó khăn như hiện nay, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành chăn nuôi là cần tập trung theo dõi sát sao, triển khai công tác quản lý dịch bệnh. Cùng với đó, triển khai tiêm phòng đại trà và bổ sung hàng tháng, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt từ 80% tổng đàn.
Đi đôi với nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ tái đàn và tái cấu trúc lại ngành chăn nuôi. Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú Hà Nội sẽ tham mưu TP, Sở NN&PTNT tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, cải tạo môi trường trong chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi công nghệ cao tại một số vùng trọng điểm. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Mỗi chuỗi gắn với các DN đầu tàu để giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm.
Ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 125/SL về phòng, chống dịch bệnh gia súc. Đây là một trong những văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên để làm cơ sở chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các hoạt động thú y trong thời gian dài. Ngày 12/7/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định cho phép hàng năm lấy ngày 11/7 làm “Ngày truyền thống ngành thú y”. |