Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỹ sư IT bén duyên thực phẩm sạch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bén duyên với thực phẩm sạch từ những lần đi chợ giúp vợ, anh kỹ sư công nghệ thông tin được đào tạo bài bản ở nước ngoài đã chọn cho mình một lối rẽ gập ghềnh để theo đuổi đam mê.

Là một trong những người đầu tiên “khai hoang” thị trường thực phẩm sạch, 10 năm qua, anh từng bước xây dựng AnVietFood thành một thương hiệu có chỗ đứng trong thị trường này.Kỹ sư IT bén duyên thực phẩm sạch - Ảnh 1

Anh là Đào Ngọc Nam - Giám đốc điều hành (CEO) Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt - AnViet Food (Khu trung tâm thương mại dịch vụ Trung Văn - Nam Từ Liêm). Anh kỹ sư bỏ nghề IT đi nuôi gà, trồng rau… luôn đau đáu khát vọng làm sao để xây dựng và kiểm soát được VSATTP bữa cơm hàng ngày.

Ngã rẽ gian nan

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng các vấn đề về VSATTP. Anh nói, chưa bao giờ câu chuyện con gà, quả trứng, củ khoai… lại được nhắc đến nhiều như thời gian gần đây. Từ bàn ăn đến quán trà đá và cả trên diễn đàn Quốc hội…, vấn đề VSATTP được đặt ra nhức nhối. “Trước đây, khối DN thực phẩm như An Việt được xếp vào "mâm dưới" so với các ngành nghề khác. Nhưng mấy năm gần đây, ngành này đã được coi trọng hơn, đây là cơ hội cho chúng tôi” - anh nói.

Cơ duyên dẫn anh kỹ sư IT đến với công cuộc trồng rau, bán thịt lợn… bắt đầu từ những lần đi chợ. Năm 2003, anh nghiên cứu sinh ngành công nghệ thông tin của một trường đại học ở Đức nghỉ phép về Việt Nam và lãnh trách nhiệm đi chợ giúp vợ. Sống ở nước ngoài nhiều năm, lạc giữa một rừng sản phẩm từ rau, quả, thịt, cá…, anh hết sức bối rối với việc lựa chọn thực phẩm. Từ những bối rối ban đầu ấy, chàng trai trẻ bén duyên với thực phẩm sạch. Sang Đức, anh vừa học, vừa tìm hiểu về quy trình sản xuất, phân phối thực phẩm sạch bằng cách xin vào làm tại các cửa hàng thực phẩm và các trang trại trồng trọt, chăn nuôi.

Ngày 28/9/2007, sau hơn một năm về nước, AnVietFood được thành lập và khai trương cửa hàng thực phẩm sạch đầu tiên. “Thời đó, khái niệm rau sạch, trứng sạch… hết sức mơ hồ và xa lạ với người dân. Đã sạch thì chi phí phải cao. Cùng một bó rau nhưng giá rau ngoài chợ chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 giá rau của An Việt. Vì vậy, việc tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn” - anh kể.

10 năm, bước từng bước vững chắc, đến nay, An Việt đã trở thành một trong những DN đi đầu trong lĩnh vực sản xuất và phân phối sản phẩm chủ yếu là thực phẩm an toàn. Hiện, Công ty đang cung cấp các thực phẩm như thịt lợn sinh học, trứng sạch, gạo sạch, rau sạch, thịt lợn, thịt bò... cho hơn 100 trường mầm non, 15 trường đại học, học viện, các khối trường an ninh tại Hà Nội, các công ty nấu ăn cho các khu công nghiệp, các nhà hàng, khách sạn... Công ty cũng được đánh giá là đơn vị tiên phong trong công tác đảm bảo VSATTP, giành nhiều giải thưởng uy tín của TP Hà Nội và các tổ chức khác. An Việt đã và đang phát triển các mô hình hệ thống siêu thị AnVietFood mart, hệ thống sản xuất và phẩn phối thực phẩm cho các trường học, bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, cơ quan, bệnh viện, cung cấp dịch vụ suất ăn công nghiệp, phân phối bán buôn...

Không tiết lộ doanh thu nhưng với cơ ngơi trang trại nuôi gà, lợn, trồng rau… hàng trăm héc ta ở Sóc Sơn, Ba Vì, Hoài Đức… và con số nhiều tấn rau quả, thực phẩm cung cấp ra thị trường mỗi ngày, AnVietFood đang ngày càng khẳng định chỗ đứng của mình trên thị trường thực phẩm sạch Hà Nội.

“Một mình một chợ” - đừng làm thực phẩm sạch

Là một trong những người đầu tiên “khai hoang” thị trường thực phẩm sạch, anh Nam cho rằng, làm thực phẩm sạch tưởng dễ nhưng thực tế… rất khó. Để ra mắt thương hiệu An Việt, anh đã tìm hiểu, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, chuẩn bị trong nhiều năm. Thời gian gần đây, nhu cầu thực phẩm sạch lên cao, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước có ý định tấn công vào thị trường này. “Nhiều nhà đầu tư với tiềm lực tài chính lớn đã tìm đến An Việt để tham quan và tìm hiểu. Chúng tôi cởi mở chia sẻ hết những thuận lợi, khó khăn. Tuy nhiên, sau thời gian nghiên cứu, họ đã quyết định liên kết với chúng tôi” - anh chia sẻ.
Công nhân sơ chế thịt tại AnVietFood. Ảnh: Nha Trang
Công nhân sơ chế thịt tại AnVietFood. Ảnh: Nha Trang
Cũng theo người đứng đầu AnVietFood, con đường để phát triển được là con đường hợp tác, làm theo chuỗi và có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Vì thế, ngoài những trang trại trực tiếp đầu tư, sản xuất của riêng mình, góp vốn đầu tư các trang trại, các công ty nông nghiệp liên kết là mô hình mà AnVietFood chọn. Đây cũng là cách để DN này kiểm soát chất lượng thực phẩm đầu vào. “Thương vụ” mới nhất mà An Việt vừa thực hiện là góp vốn cùng Công ty Ba Huân xây dựng Nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao Ba Huân miền Bắc với tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Nhà máy áp dụng quy trình xử lý trứng tự động hóa 100% của Moba (Hà Lan) - hãng đứng đầu thế giới về các thiết bị xử lý trứng gia cầm. Ngoài hợp tác với Ba Huân, An Việt cũng liên kết sản xuất với nhiều công ty khác như phối hợp với Công ty Đông Thành nhập khẩu bò Úc về Việt Nam, liên kết với Công ty Đình Mộc (Nam Định) chọn 50ha đất Xuân Trường và Hải Hậu trồng lúa…

Ngoài ra, một vấn đề khác mà anh Nam nhấn mạnh là xây dựng mô hình sản xuất, phân phối gắn với nhau bằng pháp nhân: “Ví dụ, DN phân phối có thể lấy nguồn từ các công ty nông nghiệp, các HTX..., là đại diện pháp nhân cho nông dân. Các nông dân sẽ như một cổ đông của công ty, HTX đó. Nếu mua đơn lẻ từ từng hộ nông dân sẽ rất khó để kiểm soát chất lượng sản phẩm”. Đây cũng là cách tạo điều kiện cho các HTX, các DN chuyên canh trong nông nghiệp phát triển.

Đau đáu với an toàn thực phẩm

Trong cuộc nói chuyện của mình, anh nhắc nhiều đến vấn đề VSATTP với ánh mắt tràn trề khát vọng xây dựng một ngành nông nghiệp sạch và phân phối đến từng người dân. “Cá nhân tôi cho rằng, muốn đảm bảo chất lượng thực phẩm vào nội thành, Hà Nội phải kiểm soát từ các cửa ngõ. Với các chợ dân sinh, ban quản lý chợ và các cơ quan chức năng cần kiểm tra, kiểm soát từ gốc bằng cách yêu cầu các hộ kinh doanh niêm yết rõ xuất xứ nguồn gốc sản phẩm. Cách này sẽ tăng trách nhiệm cho người bán và thuận lợi hơn cho công tác quản lý".

Với anh, uy tín, trách nhiệm là tiêu chí hàng đầu khi sản xuất, phân phối thực phẩm. Thời gian qua, An Việt tiếp rất nhiều đoàn phụ huynh học sinh của các trường… đến tham quan trang trại sản xuất và cơ sở sơ chế sản phẩm. Việc người tiêu dùng đến tận nơi mục sở thị sản phẩm vừa giúp họ yên tâm hơn với chất lượng sản phẩm, vừa là một kênh giúp An Việt quảng bá thương hiệu với khách hàng.