Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016: Băn khoăn đề thi mở

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Bộ GD&ĐT tuyên bố không đưa ra đề thi minh họa như năm trước, nhưng khẳng định xu hướng của đề thi theo hướng đánh giá năng lực thí sinh (TS), tăng cường câu hỏi mở, gắn với thực tiễn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn đề thi mở sẽ không công bằng với TS vùng sâu, vùng xa.

Hiểu kiến thức xã hội là lợi thế

Theo ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), về cơ bản kỳ thi năm nay vẫn giữ ổn định như năm 2015. Đề thi sẽ gồm 60% kiến thức cơ bản và 40% nâng cao, sẽ gồm những câu hỏi yêu cầu sự sáng tạo, vận dụng kiến thức vào cuộc sống, giảm tỷ lệ câu hỏi yêu cầu TS phải ghi nhớ máy móc, học thuộc lòng. Đối với các môn khoa học xã hội, tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với các vấn đề thời sự của đất nước. Khẳng định năm nay Bộ không công bố đề thi minh họa, song ông Nghĩa nhấn mạnh: “TS am hiểu kiến thức về xã hội sẽ có lợi thế khi làm bài thi. Thầy cô cần hướng dẫn học sinh tham khảo những đề thi năm trước để biết cách xử lý”.
Giờ ôn tập của học sinh khối 12 trường THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa. 	Ảnh: Phạm Hùng
Giờ ôn tập của học sinh khối 12 trường THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Phải nói rằng, quyết định không công bố đề thi minh họa cũng tác động khá nhiều đến TS. Nguyễn Tuấn Anh - học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa) cho biết, trước đây ít theo dõi các bản tin thời sự, chỉ xem chương trình ca nhạc của nước ngoài, nhất là nhạc trẻ của Hàn Quốc, nhưng gần đây đã tích cực xem thời sự nhiều hơn. “Em chú ý đặc biệt các bản tin thời sự trên truyền hình, ngoài ra em đọc báo, lướt web những sự kiện nổi bật, vì bất cứ vấn đề nào cũng có thể được đề cập đến trong đề thi sắp tới” – Tuấn Anh chia sẻ. Đây là xu hướng khá chung của nhiều TS trong thời điểm này.

Vững kỹ năng làm bài

Đề thi mở cũng khiến nhiều TS lo lắng khi phải tiếp cận những vấn đề bản thân chưa có khái niệm. Đây cũng là lo ngại của một số giáo viên, đặc biệt là những nơi TS ít có điều kiện tiếp cận với thông tin báo chí, mạng xã hội. Ví dụ như trong đề kiểm tra giữa kỳ của một trường THPT ở Vũng Tàu có câu hỏi liên quan đến bộ phim “Hậu duệ mặt trời” - bộ phim truyền hình Hàn Quốc đang rất nổi tiếng. Tại trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), câu hỏi về bộ phim này cũng được đưa vào phần thi trắc nghiệm của đề kiểm tra 15 phút môn tiếng Anh. Hay trong kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh của Sở GD&ĐT Vũng Tàu, hình ảnh ca sĩ Trần Lập và “đôi bàn tay thắp lửa” trong chương trình ca nhạc cuối cùng của anh đã xuất hiện trong đề thi Ngữ văn. Hay đề thi thử tại Trung tâm Hocmai cũng liên quan đến một bài hát nổi tiếng của ca sĩ Trần Lập...

   Không ít ý kiến cho rằng, xu hướng ra đề này chưa thỏa đáng. Như một giáo viên dạy Văn của trường THPT trên địa bàn quận Đống Đa đặt câu hỏi: Nếu đưa một bộ phim dù nổi tiếng, nhưng chưa được chiếu ở Việt Nam vào đề thi quốc gia thì TS nông thôn làm sao có điều kiện tiếp cận để đưa ra nhận định của mình? Tương tự, cô Nguyễn Phúc - giáo viên dạy Văn, nhà ở khu tập thể Trung Tự cho rằng, không chê về cá nhân ca sĩ, nhưng Trần Lập chưa đủ phổ biến để có thể đưa vào đề thi. “Học sinh TP có điều kiện, có thể được tiếp cận ca sĩ, hoặc qua truyền hình. Nhưng với học sinh ở vùng quê, vùng sâu, vùng xa thì nhiều khả năng sẽ không biết Trần Lập là ai, có những đóng góp gì. Như thế sẽ không bình đẳng trong làm bài thi” – cô Phúc phân tích.

Tuy nhiên, theo TS Phạm Hữu Cường - giáo viên dạy Văn ở Trung tâm Hocmai, dù đề thi mở rộng đến đâu, trước hết TS cần nắm vững phương pháp, kỹ năng làm kiểu bài nghị luận xã hội, nhất là dạng đề tổng hợp. Bởi một bài văn nghị luận hay và đạt điểm cao không phải là đúng hay không đúng đáp án, mà quan trọng là đưa ra được những quan điểm riêng về vấn đề cần bàn luận. Thêm vào đó, để đáp ứng nhu cầu vận dụng, làm quen cách ra đề mở, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng cho biết, Sở sẽ tổ chức rà soát 3 môn thi bắt buộc (Văn, Toán, Ngoại ngữ) cho tất cả học sinh lớp 12. Trong đó, bài thi sẽ rọc phách, chấm chéo nhưng không lấy kết quả thi để đánh giá vào điểm số năm học. Sở sẽ ra đề thi dựa vào kiến thức lớp 12 là chủ yếu.