Nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch
Theo báo cáo của BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 Bộ GD&ĐT, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học và tiến độ hoàn thành chương trình năm học 2020-2021. Nhiều khoảng thời gian trong năm học, học sinh đã phải tạm dừng việc học trực tiếp trên lớp và chuyển sang hình thức học trực tuyến. Nhiều trường học đã phải hoàn thành năm học 2020-2021 muộn so với kế hoạch do đợt dịch lần thứ tư diễn ra đúng vào thời gian thi học kỳ 2. Kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của nhiều địa phương cũng phải thay đổi.
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, các cơ sở giáo dục trên cả nước đã nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Các Sở GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để tổ chức truy vết F1, F2… và hướng dẫn học sinh- sinh viên, giáo viên khai báo y tế theo đúng quy định. Số trường học thường xuyên cập nhật thông tin trên ứng dụng phần mềm An toàn Covid-19 theo yêu cầu tối thiểu 2 lần/tuần tính đến 19/7/2021 đạt tỷ lệ 84,7%.
Cả nước có 150 cơ sở giáo dục đại học chuyển hình thức giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến để phòng chống dịch. Một số cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành sức khỏe đã bố trí giảng viên, sinh viên tình nguyện vào vùng dịch hỗ trợ công tác chăm sóc và truy vết người nhiễm.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, song đợt 1 của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã được tổ chức nghiêm túc với số thí sinh dự thi đạt hơn 96% tổng số thí sinh của năm 2021. Trước, trong và sau đợt 1 của kỳ thi, các hội đồng thi trong cả nước đã thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và triển khai các phương án dự phòng nên đã xử lý kịp thời các tình huống bất thường.
Đảm bảo an toàn cho cán bộ, thí sinh trong kỳ thi đợt 2
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, số ca nhiễm ghi nhận trong ngày lên tới hàng nghìn trường hợp. Do đó, toàn ngành Giáo dục phải tập trung cao độ, không được chủ quan trong công tác phòng, chống dịch, nhưng cũng phải bình tĩnh, cố gắng không gây hoang mang cho học sinh, giáo viên.
Để chuẩn bị tổ chức đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ, có đầu mối cụ thể cho từng khâu và lường tính mọi tình huống có thể xảy đến; tuyệt đối không được chủ quan trong bất kỳ khâu nào của kỳ thi, nhất là việc phòng, chống dịch bệnh.
Theo Thứ trưởng, yếu tố an toàn cho thí sinh, cho cán bộ làm thi, cho các điểm thi phải được đặt lên hàng đầu, song cũng không được coi nhẹ yếu tố nghiêm túc, chất lượng của kỳ thi; trong đó phải lưu ý tới sự công bằng giữa 2 đợt thi và đảm bảo quyền lợi cao nhất cho mọi thí sinh.
Đối với các đoàn thanh tra, kiểm tra đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Thứ trưởng Ngô Thị Minh yêu cầu, cần có các biện pháp và phương án cụ thể đảm bảo an toàn cho từng đoàn công tác. Thứ trưởng cũng đề nghị các thành viên BCĐ phòng, chống Covid-19 của Bộ GD&ĐT phát huy vai trò tham mưu cho lãnh đạo Bộ, từ đó kịp thời có các điều hành đúng và trúng trong hoạt động của ngành, đảm bảo 2 mục tiêu song hành là chất lượng giáo dục và an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid- 19.
Hà Nội thực hiện tuyển sinh đầu cấp đúng tiến độ Dù dịch Covid- 19 bùng phát ảnh hưởng đến thời gian kết thúc năm học của học sinh tại Hà Nội; tuy nhiên bằng tinh thần quyết tâm cao, Hà Nội vẫn thực hiện và hoàn thành gần 90% trong công tác tuyển sinh đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6); trong đó chủ yếu thực hiện qua hình thức tuyển sinh trực tuyến (từ 12-20/7). Đối với số ít thí sinh chưa đăng ký trực tuyến sẽ tiếp tục đăng ký tuyển sinh trực tiếp tại các trường từ 23- 28/7. Sở GD&ĐT lưu ý, các cơ sở giáo dục nếu tổ chức thu hồ sơ tuyển sinh đầu cấp bằng hình thức trực tiếp phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19, trong đó bắt buộc người đến làm việc phải khai báo y tế bằng mã QR, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào đơn vị; bố trí đầy đủ phòng chờ bảo đảm giãn cách (khoảng cách tối thiểu 2m), tuyệt đối không để tập trung đông người. |