Đều đặn khảo sát hàng tuần
Trải qua 3 năm học liên tiếp đều có thời gian học online, trong đó năm học 2021- 2022 với ngót một học kỳ học trực tuyến đã ảnh hưởng không nhỏ đến lượng kiến thức tiếp thu của học sinh khối 9 năm nay. Thấu hiểu điều đó, ngay sau khi học sinh lớp 9 được đi học trực tiếp trở lại, ban giám hiệu các nhà trường THCS đã họp tổ chuyên môn để lập kế hoạch củng cố kiến thức cho các em bao gồm phương án phân lớp và tăng cường kèm cặp học sinh yếu, kém.
Đầu tháng 3/2022, Hà Nội quyết định số môn thi vào lớp 10 THPT công lập, các trường học nhanh chóng thực hiện thời khóa biểu ôn tập 3 môn Toán- Văn- Ngoại ngữ cho học sinh. Thời lượng học, đội ngũ giáo viên, nội dung bài giảng… được xây dựng khoa học, bài bản với mong muốn học sinh có cơ hội trang bị đầy đủ kiến thức và sẽ đạt kết quả tốt nhất cho kỳ thi.
“Sau khi biết 3 môn thi, nhà trường đã thống nhất kế hoạch dạy và ôn tập cho học sinh lớp 9, họp phụ huynh khối 9 nhằm thông qua phương án ôn tập của nhà trường, truyền thông đến cha mẹ cùng phối hợp trong việc quản lý, giám sát, đôn đốc con em mình cố gắng trong giai đoạn nước rút…” - Hiệu trưởng trường THCS Sài Sơn, huyện Quốc Oai Trần Thị Hiền cho biết.
Theo Hiệu trưởng trường THCS Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm Bùi Thị Ngọc Lan, mỗi tuần trường triển khai cho học sinh làm bài khảo sát cả 3 môn. Nôi dung đề thuộc phạm vi kiến thức THCS, chủ yếu trong chương trình lớp 9 nên nếu học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản thì sẽ làm bài tốt. Mục đích khảo sát là để kịp thời nắm bắt mức độ kiến thức của các em; phát hiện, củng cố, lấp đầy phần bài học mà các em chưa thực sự chắc chắn.
Còn với Hiệu trưởng trường THCS Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm Vũ Thị Lan Anh thì các thầy cô thực hiện ôn tập củng cố kiến thức nhiều lần cho học sinh. Tính đến nay, nhà trường đã tổ chức 4 lần thi thử cho học sinh khối 9 với cách thức, quy trình (số báo danh, đề thi, giấy thi, coi thi, chấm thi…) giống như thi thật. Ngoài ra, hàng tuần, các giáo viên dạy 3 môn Toán- Văn- Ngoại ngữ cũng cho học sinh các lớp làm bài khảo sát để các em biết kiến thức của mình đang ở đâu.
Cha mẹ, thầy cô đồng hành
Cũng theo chia sẻ của Hiệu trưởng THCS Cao Bá Quát, những vất vả của giáo viên chủ nhiệm và thầy cô phụ trách 3 môn thi vào 10 là không thể đo đếm.
“Mỗi ngày, các giáo viên chủ nhiệm đến sớm 15 phút để tiến hành kiểm tra bài tập, sách vở của học sinh; nhắc nhở, chuyện trò, tâm sự, sẻ chia, khích lệ tinh thần của các em để hành trang cho ngày thi được đủ đầy nhất. Vì không phải em nào cũng chăm chỉ và có ý thức tốt nên các thầy cô càng vất vả hơn”- nhà giáo Vũ Thị Lan Anh nói.
Kiến thức trong phạm vi chương trình đã được ôn tập nhiều lần nhưng với một bộ phận nhỏ học sinh vẫn… như mới bởi các em không tập trung học. Với đối tượng học sinh yếu kém, ban giám hiệu các nhà trường đều phân công giáo viên kèm riêng vào các buổi chiều hoặc buổi tối. “Với thời gian sát ngày thi, các thầy cô làm việc bất kể thời gian nào, chỉ cần học sinh có tiến bộ, có tinh thần cầu thị và có mong ước thi đỗ là thầy cô thấy rất hạnh phúc”- cô giáo Nguyễn Thu Hà, quận Hoàng Mai cho biết.
Theo cô Hà, ngoài ôn tập theo lớp thì nhóm học sinh thuộc diện phải kèm cặp đặc biệt cũng được các cô giáo rất sát sao. Và có học có hơn, nhiều em từ học lực yếu đã có sự tiến bộ chỉ sau 1- 2 tháng ôn thi. Cô hy vọng, trong số đó sẽ có học sinh làm được điều vượt lên sự mong đợi của chính các em.
Còn với cha mẹ học sinh có con chuẩn bị thi vào lớp 10, dù bận rộn đến mấy cũng luôn dành sự quan tâm cho các con từ bữa ăn, giấc ngủ, động viên con cố gắng học nhưng cũng tạo điều kiện để con được vui chơi, nghỉ ngơi, giải trí nhằm giữ sức khỏe và tinh thần thoải mái. Vẫn biết so với mọi năm, kỳ thi vào lớp 10 công lập năm nay có phần áp lực hơn khi tăng số lượng thí sinh tốt nghiêp THCS; tuy vậy, một mặt tạo điều kiện tốt nhất để con đi thi, các bố mẹ cũng gợi mở và chuẩn bị phương án dự phòng bởi họ hiểu rẳng, có nhiều con đường, nhiều hướng đi phù hợp cho tương lai của các con mình.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập không chuyên năm học 2022- 2023 tại Hà Nội sẽ diễn ra trong 2 ngày 18-19/6. Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 106.609 (trong đó có 321 thí sinh tự do); số thí sinh đề nghị xét tuyển thẳng là 516. TP sẽ tổ chức thi tại 4.550 phòng ở khoảng 210 điểm thi. Số cán bộ trực tiếp tham gia coi thi là khoảng 14.000 người; số cán bộ tham gia phục vụ, bảo vệ Điểm thi là khoảng 3.000 người; số cán bộ tham gia chấm thi là khoảng 2.500 người.